|
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. |
Đó là nhấn mạnh của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với phóng viên nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021).
PV: Thưa đồng chí, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức vào đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam. Đồng chí có thể chia sẻ ý nghĩa của ngày hội này như thế nào?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư trên phạm vi cả nước đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam. Đây là việc có ý nghĩa lớn trong cộng đồng dân cư, là dịp để cộng đồng dân cư cùng nhau kiểm điểm lại những công việc đã làm trong năm, những việc triển khai tốt, những việc triển khai chưa tốt để tạo sự đồng thuận trong khu dân cư, cùng nhau xây dựng cộng đồng bình yên, phát triển.
Đây là dịp để ôn lại truyền thống tốt đẹp của MTTQ Việt Nam và sẽ xác định những nhiệm vụ trong thời gian tới của các khu dân cư. Đây cũng là dịp để cho con em của khu dân cư đang đi công tác, học tập, lao động trên mọi miền đất nước, kể cả một số ở nước ngoài về đúng vào dịp này. Có người đóng góp kinh phí, có người hiến kế để cùng nhau bàn bạc xây dựng các khu dân cư ngày càng phát triển.
Đó cũng là dịp để cán bộ, đảng viên về sinh hoạt ở nơi cư trú với nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về sinh hoạt để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là dịp chuyển tải những chủ trương, đường lối, những mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với toàn thể nhân dân, mà cụ thể trong từng khu dân cư.
PV: Năm nay, Ngày hội đại đoàn kết được diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến rất phức tạp. Vậy, Mặt trận đã có những cách thức như thế nào để thích ứng, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Ngày 18/11 năm nay, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong phạm vi cả nước. Tuy chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, đang thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhưng có một điều đặc biệt là trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con trong các khu dân cư cũng bàn bạc với nhau thêm về những giải pháp để đồng lòng, chung sức phòng, chống dịch bệnh, đề cao cảnh giác, không lơ là chủ quan, không hoang mang để làm sao thực hiện được chủ trương chung của Đảng và Nhà nước là vừa kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui ngày hội đại đoàn kết với bà con xã Yên Sở,
huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
|
Để đạt được mục tiêu đó, năm nay, Ban thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn theo dạng 3 mô hình. Đối với những vùng xanh thì tổ chức hoạt động bình thường. Những nơi vùng vàng thì tổ chức có hạn chế và kiểm soát dịch bệnh. Những nơi nguy cơ cao thì không tổ chức Ngày hội đại đoàn kết tập trung mà chủ yếu là tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tổ chức trong phạm vi rất nhỏ để có thể thăm hỏi, động viên nhau.
Với tinh thần như vậy, năm nay cũng là năm rất đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đi xuống các địa bàn dân cư để gặp gỡ, động viên bà con và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuống xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, trong không khí tưng bừng.
Tôi được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi và thấy một không khí rất hồ hởi, phấn khởi trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh. Nhìn chung, Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế đã thấm, ngấm xuống đến tận cơ sở.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về chủ trương phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong những hoạt động của Mặt trận trong thời gian qua?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, tôi có tìm hiểu thì thấy rằng không có nước nào có một ngày được lấy là ngày đại đoàn kết toàn dân tộc mà tổ chức đến từng khu phố, khu dân cư như của Việt Nam.
Với ý như vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh và phát huy các hoạt động này. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng thì trong tháng 12/2021, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ trình Ban Bí thư “Đề án xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cụ thể trong từng khu dân cư. Nếu chúng ta giữ gìn được, xây dựng được từng khu phố, từng tổ dân phố, từng thôn bản đoàn kết, xã đoàn kết, huyện đoàn kết, tỉnh đoàn kết, cả dân tộc ta đoàn kết thì việc gì khó mấy chúng ta cũng vượt qua được.
Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã cho thấy bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Đây là tài sản vô giá. Cho nên trách nhiệm của MTTQ Việt Nam là nòng cốt, sẽ cố gắng làm sao động viên, giữ gìn, phát huy, nhân lên để sức mạnh này sẽ giúp cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng đất nước ta phát triển ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và mọi người, mọi nhà có được cuộc sống ấm no hạnh phúc.
PV: Thưa đồng chí, một trong những dấu ấn rất đậm nét của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện rõ ngay trong đại dịch COVID-19. Trong gần 2 năm qua, rất nhiều những hoạt động tương thân, tương ái hay quyên góp ủng hộ đã được Mặt trận phát động cũng như được các tổ chức thành viên hay các đơn vị cùng chung tay, góp sức. Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể về vấn đề này?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Như tôi đã chia sẻ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ giúp cho đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Thử thách vừa qua đối với đại dịch COVID-19 là một minh chứng rất sinh động. Khi dịch bùng phát, nhất là lần thứ 4, hưởng ứng lời kêu gọi thiết tha của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng chung sức phòng, chống dịch bệnh với tinh thần chống dịch như chống giặc.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với đồng bào các dân tộc xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN) |
Ở góc độ nhân dân, MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra lời kêu gọi và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Và trong khoảng thời gian rất ngắn, kết quả đạt được rất đáng trân trọng. Đã có hàng triệu túi quà Đại đoàn kết, túi quà an sinh, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị của đồng bào cả nước và của kiều bào ta ở nước ngoài được chở vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để san sẻ yêu thương và chia sẻ những khó khăn, vất vả của đồng bào ta trong quá trình chống dịch. Đặc biệt là các doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết, giúp đỡ nhau, ủng hộ số tiền bằng tiền mặt là trên 20.000 tỷ đồng để giúp đỡ những nơi khó khăn, mà quan trọng nhất là mua vaccine để tiêm phủ trên diện rộng miễn phí cho toàn dân để thực hiện phòng, chống dịch.
MTTQ Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh của mình là tập hợp tinh thần đại đoàn kết của các giai tầng trong xã hội. Những hình ảnh, những nghĩa cử cao đẹp đã làm lay động lòng người. ATM gạo, ATMoxy, siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng… Tất cả đều hướng về miền Nam ruột thịt.
Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc thì Phật giáo là cởi áo cà sa mang áo bào ra chiến trận thì trong phòng chống dịch COVID-19 là để lại áo nâu sòng mặc áo blue để vào “trận chiến” không tiếng súng giúp đỡ các lực lượng trong phòng, chống dịch…
Không chỉ có vậy, tất cả mọi người dân trên đất nước Việt Nam, từ cụ già đến em nhỏ; từ thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, các lực lượng của chúng ta ở cơ sở, địa phương đều tham gia các chốt phòng, chống dịch, đều tham gia các tổ COVID cộng đồng…Nhìn lại để thấy rằng chỉ có sức mạnh của nhân dân, chỉ có truyền thống văn hóa của Việt Nam được hun đúc qua nhiều nghìn đời thì chúng ta mới có được thành quả hôm nay.
Cảm động lắm, có những cán bộ ngành y tế, những chiến sỹ trong lực lượng công an, quân đội đi làm nhiệm vụ mà bố, mẹ mất đều không về chịu tang được. Có người, cả hai vợ chồng gửi con về quê để tham gia chống dịch. Rồi có người đã về hưu rồi vượt hàng ngàn cây số để tiếp tục vào trong bệnh viện dã chiến để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch…
Có thể khẳng định lại một lần nữa là chiến thắng dịch bệnh vừa qua là chiến thắng của nhân dân, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
PV: Thưa đồng chí, năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó đặt ra rất nhiều những yêu cầu đối với lại là công tác Mặt trận. Đồng chí có thể chia sẻ, trong thời gian tới, công tác Mặt trận sẽ có những hoạt động như thế nào để triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Vừa qua Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách rất bài bản, căn cơ. Và chúng tôi cũng xác định những nhiệm vụ rất cụ thể, những giải pháp và thời gian tiến độ hoàn thành nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung vào 5 vấn đề lớn. Thứ nhất, MTTQ Việt Nam vẫn phải là hạt nhân nòng cốt để tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với nhân dân xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: ĐĐK) |
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam làm sao gắn bó mật thiết với nhân dân, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Và mọi việc làm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan nhà nước đều phải xác định lấy nhân dân làm chủ thể, là mục tiêu để chúng ta phục vụ và ban hành mọi chính sách.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng đội ngũ những người làm công tác Mặt trận các cấp đảm bảo vừa có tâm, có tầm và phải có kiến thức, kinh nghiệm… để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ thứ tư rất quan trọng đó là xây dựng được chương trình phối hợp thống nhất hành động với Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước để làm sao dưới sự lãnh đạo của Đảng để chúng ta triển khai thực hiện những nhiệm vụ lớn của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh để chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ lớn của đất nước.
Cùng với đó, với phương châm đi về phía nhân dân, ở những nơi còn khó khăn, Mặt trận phải giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội, thực hiện thật tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để cho vùng này có cơ hội phát triển nhanh hơn, có thể sánh kịp với những vùng phát triển khác. Bên cạnh đó, là chương trình bảo vệ môi trường, chương trình đảm bảo an sinh xã hội…
Và chúng tôi sẽ tiếp tục phát động thêm những chương trình có tầm vóc lớn, có nhiều ý nghĩa như trong thời gian qua đã triển khai như thực hiện tốt như chương trình xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo; chương trình chung tay chăm lo cho người nghèo… Đó chính là vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo cuộc sống an lành…
Đáng chú ý, nhiệm vụ chính trong giai đoạn tới là chúng tôi tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội để làm sao mọi chính sách đều hướng về nhân dân, vì quyền lợi, vì cuộc sống của nhân dân.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc liên khu dân cư Pác Bó, Nặm Lìn, Nà Lẹng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: VGP) |
Và mới đây nhất Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có đề ra thêm một nhiệm vụ nữa là phòng, chống tiêu cực và MTTQ Việt Nam sẽ là lực lượng tiên phong và là lực lượng phối hợp hành động với các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nơi cư trú, gắn bó với cuộc sống của nhân dân không được xa rời nhân dân. Đó là điểm rất mới, chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới.
PV: Nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam – Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), đồng chí có lời nhắn nhủ gì đến những người đang làm công tác Mặt trận cũng như nhân dân cả nước?
Đồng chí Đỗ Văn Chiến: Nhân dịp này tôi muốn chuyển đến đồng bào cả nước thông điệp: Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là một tài sản vô giá. Do vậy, trong bất cứ mọi hoàn cảnh, tình huống nào chúng ta cũng phải chăm lo, giữ gìn, hun đúc truyền thống tốt đẹp này để phát huy và lưu truyền lại cho con cháu chúng ta.
Còn đối với những người làm công tác Mặt trận các cấp trong phạm vi cả nước, hãy coi đây là một niềm vinh dự, hạnh phúc để mình được tham gia cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Và chúng ta hãy vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong niềm vui của nhân dân, trong niềm vui phát triển của đất nước chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui của riêng mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!