Phát huy lợi thế du lịch biển, đảo ở Việt Nam 

(ĐCSVN) - Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, đảo. Thời gian qua, du lịch biển, đảo đã được quan tâm đầu tư, chú trọng phát triển trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của du lịch biển, đảo, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

 

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ. Các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được các tạp chí, nền tảng du lịch hàng đầu thế giới vinh danh. Có thể kể đến như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), bãi biển An Bàng (Quảng Nam); biển Nha Trang (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà, Vịnh Lan Hạ (Hải Phòng)...

Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên.

Các điểm đến biển đảo hấp dẫn của Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam. (Ảnh: HT) 

Ngoài ra, từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống thần linh biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa… Ðây chính là nguồn tài nguyên phong phú để phát triển du lịch biển đảo bền vững.

Với tiềm năng và lợi thế như vậy, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030 phát triển thành công và đột phá theo thứ tự ưu tiên hàng đầu như đã đề ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/12/2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045".

Đồng thời, du lịch biển, đảo được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Điều này đã được khẳng định trong Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

 Du lịch biển, đảo phát triển có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: HT)

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định, du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, thể thao biển… là một trong những trụ cột trọng tâm của ngành du lịch nước ta. Số liệu thống kê cho thấy, trong cấu trúc ngành du lịch Việt Nam, du lịch biển chiếm 60-70% hoạt động du lịch cũng như thu nhập du lịch.

Có thể thấy rằng, du lịch biển, đảo phát triển đã có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch biển, đảo ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển” và “phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển”, trong đó du lịch và dịch vụ biển được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. 

Với định hướng trong thời gian tới, du lịch biển, đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với công tác bảo vệ môi trường, phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ngành du lịch cần mạnh dạn đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát triển du lịch biển đảo xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để phát triển du lịch biển đảo bền vững, các chuyên gia cho rằng các bộ, ngành và địa phương cần kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.

Ngành du lịch cần phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế. Đồng thời xác định cộng đồng, người dân địa phương chính là những chủ thể quan trọng trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa.

Đối với các địa phương, cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia, theo hướng tăng trưởng xanh./.

 
H.Thanh
76 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1065
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1065
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87128686