|
Lao động phỏng vấn online tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội. (Ảnh minh họa: Thu Hằng) |
Đây là vấn đề nhiều đại biểu đưa ra tại tọa đàm trực tuyến: “Phát triển thị trường lao động hiện đại tới năm 2030, tầm nhìn 2045” do Báo Nhân dân tổ chức mới đây.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Hưng, Công ty CP MediaMart Việt Nam đánh giá, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện nay phát triển khá nhanh và năng động. Qua đó, hỗ trợ cho nhà tuyển dụng và người lao động rất nhiều.
Tuy nhiên, các kênh tuyển dụng tư vấn lao động truyền thống như: hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, thậm chí các trang tuyển dụng có uy tín: như Vietnamwork, 24h…giảm dần sức hút với người lao động. Các mạng xã hội như Zalo, Facebook phát triển khá mạnh mẽ.
“Đối với Media Mart, trong giai đoạn 2011-2015, Sàn giao dịch việc làm và hội chợ việc làm luôn chiếm hơn 50% số lượng tuyển dụng, các kênh tuyển dụng chiếm 20-30%. Nhưng hiện tại, qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook... chúng tôi tuyển dụng khoảng 80% nhu cầu nhân lực của hệ thống”– ông Nguyễn Trọng Hưng cho biết.
Dù vậy, theo ông, kênh tuyển dụng này cũng bộc lộ rất nhiều nhược điểm: tự phát, thiếu định hướng... trong việc nhìn nhận, đánh giá các lĩnh vực sử dụng lao động, gây tâm lý không tốt, mất phương hướng cho những người sắp bước vào thị trường lao động.
Vì vậy, ông hy vọng có giải pháp để phát huy được mặt tích cực của các mạng xã hội trong kết nối thông tin thị trường lao động, hạn chế được các tiêu cực, và định hướng tốt hơn cho thông tin thị trường lao động.
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Hà Nội cho biết, trong thời gian từ năm 2007 đến thời năm 2015, TTDVVL Hà Nội đã có sự chuyển mình với những hoạt động truyền thông luôn kết hợp chặt chẽ với đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thông qua triển khai các hoạt động truyền thông trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, băng rôn, phướn, khẩu hiệu… Thời điểm đó, người lao động tham gia hoạt động giao dịch tại TTDVVL rất lớn, có thời điểm quá tải.
Những năm gần đây, TTDVVL Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác truyền thông để đưa hình ảnh đơn vị cần tuyển dụng, hỗ trợ nguồn cung cầu đến doanh nghiệp, người lao động nhưng việc thu hút người lao động không đông bằng trước.
Ông cho biết, thực tế, khi các doanh nghiệp và người lao động có nhiều kênh thông tin hơn, tiếp cận qua các ứng dụng mạng xã hội thì việc tiếp cận hệ thống các TTDVVL có phần hạn chế hơn.
Theo ông, trong thời gian tới, TTDVVL tiếp tục tích cực phối hợp đơn vị liên quan các cấp từ Trung ương đến địa phương, các hội đoàn thể thực hiện các nội dung truyền thông, tuyên truyền đến người doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, tiếp tục sử dụng trực tuyến, mạng xã hội như Zalo, Facebook để truyền thông, thông tin đến với doanh nghiệp và người lao động nhiều hơn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, TS Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh thêm, giao dịch việc làm trực tuyến hiện nay đang ở xu thế chuyển dịch mạnh mẽ trên mạng xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là xây dựng hệ thống quản trị của Nhà nước để quản lý, chứng nhận chất lượng về những sàn tuyển dụng lao động trực tuyến.
“Chúng ta có thể dùng quản trị nhà nước hiện đại trên nền tảng môi trường 4.0, kết hợp với dùng quản trị của thị trường thông qua thương hiệu, thông qua sự minh bạch” – TS Vũ Trọng Bình nói.
TS Vũ Trọng Bình thông tin thêm, để làm được việc này, Cục Việc làm cũng đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc hội để đưa ra những thể chế, bảo đảm cho phép giao dịch việc làm trực tuyến.
“Quan điểm của chúng tôi, nhà nước xây dựng thể chế, chính sách. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng trên không gian mạng khi muốn giao dịch việc làm” – TS Vũ Trọng Bình nói./.