Nhìn lại chặng đường vừa qua, ở giai đoạn 2010-2016, xây dựng nông thôn mới (NTM) cơ bản tập trung vào nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế-xã hội, đến giai đoạn 2016-2020 đang tập trung vào nhóm tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó chú trọng đến các nhóm tiêu chí tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường... đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống sáng-xanh-sạch-đẹp; bảo đảm an ninh trật tự ngày càng tốt hơn vì vùng nông thôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng, văn hóa nông thôn là một bộ phận cấu thành của văn hóa dân tộc, do đó, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn giữ vị trí quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhìn chung, các văn bản được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đối với xây dựng NTM, để thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ VHTT&DL đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương trong triển khai thực hiện. Các địa phương trong cả nước đã kịp thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêu chí số 6 và 16 trên địa bàn quản lý.
Công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú có chiều sâu từ trung ương đến địa phương. Ở cấp Trung ương, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đưa nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về cơ sở với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, qua đó phản ánh khách quan cuộc sống lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho việc phục vụ lưu động của thư viện đạt hiệu quả thiết thực.
Ở địa phương, công tác tuyên truyền được tăng cường, quán triệt sâu sắc nội dung, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới với các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan, các cuộc thi tìm hiểu về đề tài NTM thông qua: Sân khấu hóa, sáng tác, tập huấn, liên hoan văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao, giao lưu, tọa đàm, liên hoan tuyên truyền lưu động....
Qua đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng NTM được nâng lên, người dân xác định xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng NTM là công việc của chính mình, nhiều nét đẹp trong văn hóa, trong ứng xử đã góp phần quan trọng trong tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và mỗi cá nhân, nhiều vùng quê nông thôn đã có có những chuyển mình trở thành những “Miền quê đáng sống”.
Ở Trung ương, hằng năm, Bộ VHTT&DL phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan ký kết các chương trình phối hợp nhằm phát huy tối đa nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa góp phần thực hiện hiệu quả trong xây dựng NTM.
Ở địa phương, ngành văn hóa đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ban, ngành, đoàn thể xã hội trong tổ chức thực hiện các tiêu chí văn hóa gắn với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", triển khai, lồng ghép thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, các chương trình phối hợp liên ngành, tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp từng năm hoặc từng giai đoạn.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa màu sắc trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở hoặc theo mô hình xã hội hoá các khu trung tâm thể thao, giải trí; hoặc theo hướng giao cho cộng đồng quản lý, vận hành. Một số địa phương đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm làng quê nông thôn mới gắn với giữ gìn văn hoá truyền thống và các trò chơi dân gian, từ đó, đã tạo điều kiện thu hút người dân ở thôn, bản, ấp tham gia thường xuyên hơn vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ tác động của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Qua thực hiện tiêu chí văn hóa (6 và 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới vì công tác xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Các thiết chế văn hóa (cấp xã, cấp thôn) được quan tâm, xây dựng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng ngày càng sinh động, phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn, thu hút người dân tham gia, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tính sáng tạo của người dân. Nhận thức của người dân được nâng lên, họ có ý thức tham gia các công trình xây dựng ở địa phương, trong đó có xây dựng cầu, đường giao thông, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp hơn, nhiều công trình văn hóa, thể dục, thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp đất đai, tiền của, công sức của nhân dân, góp phần làm cho bức tranh nông thôn mới ngày càng sinh động.…
Diện mạo nông thôn đang ngày càng thay đổi, khang trang hơn. Nếu trước đây, nhiều nơi rác thải gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường… nay ở nhiều địa phương đã khắc phục được điều này, xét cho cùng các tiêu chí xây dựng NTM để đạt được kết quả bền vững, cũng bắt nguồn từ ý thức và sự tự giác của người dân, đó là ý thức văn hóa.
Nhật Nam