Ngày 1/12, Bộ KH&CN tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thanh tra chuyên đề về an toàn bức xạ hạt nhân năm 2017. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh, cuộc thanh tra chuyên đề năm 2017 đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nguồn phóng xạ. Có thể thấy, trong thời gian gần đây, sự cố liên quan đến phóng xạ ở Việt Nam ngày càng nhiều. Điều này một phần do công tác quản lý nguồn phóng xạ chưa được coi trọng đúng mức.
Đến cuối năm 2016, toàn quốc có hơn 1.100 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ với tổng cộng gần 4.000 nguồn. Trung bình mỗi năm, cơ quan thanh tra chuyên ngành an toàn bức xạ và hạt nhân thanh tra được 120 cơ sở, chiếm hơn 10%. Với tiến độ này, phải 10 năm, một cơ sở có nguồn phóng xạ mới được thanh tra lại.
Chánh thanh tra Bộ KH&CN Trương Hồng Dương cho biết nhiều sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ đã xảy ra trong hai năm 2015 và 2016 do tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu trữ nguồn phóng xạ buông lỏng quản lý, thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật kém. Điển hình là vụ mất nguồn phóng xạ tại nhà máy luyện phôi thép ở Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2015 hay vụ việc xảy ra tại một công ty xi măng ở Bắc Kạn năm 2016.
Trước tình hình trên, Bộ KH&CN quyết định thanh tra chuyên đề toàn quốc. Đợt thanh tra chuyên đề đã thanh tra 880 cơ sở ở 56 tỉnh thành phố trong ba tháng, trong đó 589 cơ sở có nguồn phóng xạ và 291 cơ sở X-quang. Bộ KH&CN phát hiện 84 cơ sở vi phạm hành chính và đã xử phạt 552 triệu đồng.
Các vi phạm phổ biến là không khai báo cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; không lập, lưu giữ hồ sơ an toàn bức xạ; thiếu kiểm soát liều chiếu xạ; thiếu chứng chỉ nhân viên bức xạ, chứng chỉ đào tạo an toàn bức xạ; không tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ định kỳ...
Kết quả phân loại đơn vị được thanh tra theo 4 cấp độ đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ cũng cho thấy 28 cơ sở thuộc cấp độ 3 và 4. Đây là những cơ sở có khả năng cao về mất an ninh nguồn phóng xạ.
Ngoài xử phạt bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc khai báo, cấp phép vận chuyển, lưu giữ, sử dụng nguồn phóng xạ... Một số địa phương đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như Bắc Kạn, Hà Tĩnh, TPHCM, Long An hay Thanh Hóa.
Theo ông Trương Hồng Dương, cuộc thanh tra đã kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn bức xạ và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc thanh tra chuyên đề giúp nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý.
Tại Hội thảo, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã nêu rõ những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ trong công tác quản lý nguồn phóng xạ. Cụ thể: chưa có quy định cụ thể việc lưu giữ tạm thời, nới cất giữ đối với từng trường hợp cụ thể khi tạm ngừng sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị; chưa quy định cụ thể trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy định nội bộ về đảm bảo an ninh; chưa có hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp thông tin kịp thời khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ; ý thức chấp thành pháp luật về an toàn bức xạ của một số tổ chức, cá nhân trọng hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu còn chưa cao.
Thu Cúc