Ảnh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn)
Ngày 27/9, Chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động” đã chính thức được triển khai.
Chiến dịch do ILO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Công nghiệp gỗ và Thủ công mỹ nghệ HCM (HAWA), Hiệp hội Nội thất Bình Dương (BIFA), Hiệp hội lâm sản Bình Định (FPA) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID).
Đây là một hoạt động của Chương trình Phát triển doanh nghiệp bền vững – SCORE tại Việt Nam nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua việc khẳng định mối liên hệ giữa an toàn lao động với năng suất lao động tại các doanh nghiệp ngành gỗ và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Các hoạt động thuộc chiến dịch “100 ngày nói không với tai nạn lao động” sẽ diễn ra đến hết tháng 12/2019. Khi tham gia vào chiến dịch này, các nhà máy sẽ được tham gia các khóa tập huấn SCORE bao gồm hoạt động trong lớp học và tham quan tư vấn tại nhà máy, các hoạt động nâng cao nhận thức giúp các doanh nghiệp và người lao động cập nhật các tiêu chuẩn an toàn để họ có thể tiếp tục duy trì môi trường làm việc không tai nạn sau khi chiến dịch kết thúc.
“Một trong những nguyên tắc sáng lập của ILO được thông qua năm 1919 là người lao động phải được bảo vệ khỏi ốm bệnh và thương tật phát sinh từ công việc. Đây sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu của ILO những năm tới” - ông Chang – Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết. An toàn và sức khỏe là một quyền cơ bản của người lao động. Vì vậy, người sử dụng lao động và người lao động ở cấp doanh nghiệp cần nhận thức rõ các rủi ro và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tai nạn lao động.
Tuyên bố Thế kỷ mới của ILO được thông qua tại Hội nghị Lao động Quốc tế tháng 6/2019 ghi rằng cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo người lao động được bảo vệ toàn diện cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, việc làm đầy đủ và thỏa đáng.
Theo số liệu năm 2018 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động tại nơi làm việc đã khiến hơn 1.000 người tử vong và 8.200 người khác bị thương.
Những sự việc này không chỉ gây ra thương tật và mất mát cho người lao động và gia đình họ, ngay cả doanh nghiệp nói riêng, đất nước và thế giới nói chung cũng chịu tổn thất lớn về mặt kinh tế. ILO ước tính những thiệt hại về bồi thường, giảm ngày công, sản xuất, đào tạo và cải tổ bị gián đoạn, cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe, chiếm khoảng 3,94% GDP hàng năm của thế giới.
“Các nghiên cứu của ILO đã cho thấy rằng, khi người lao động cảm thấy an toàn trong môi trường làm việc, năng suất lao động sẽ tăng. Các doanh nghiệp thành công là những doanh nghiệp liên tục cải tiến hệ thống sản xuất và hệ thống quản lý an toàn. Đầu tư vào sự an toàn của người lao động sẽ mang lại lợi ích rất lớn như sức khỏe và động lực của người lao động, tránh các chi phí liên quan đến tai nạn lao động cho các doanh nghiệp cũng như toàn xã hội” - ông Stephan Ulrich, Quản lý khu vực của chương trình SCORE nói.
Chương trình SCORE của ILO được Ủy ban quốc gia về các vấn đề kinh tế Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ./.
Phạm Thanh