Phát biểu trên kênh truyền hình C News và trên đài Europe 1, ông Le Maire đã đề cập đến những quyết định của EU vào năm 1996.
Ông cho rằng những quyết định này có thể cho phép EU can thiệp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu khỏi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào do Mỹ áp đặt.
Ông Le Maire cũng cho biết thêm rằng Pháp muốn EU có lập trường cứng rắn hơn trong vấn đề này.
Vào năm 1996, khi Mỹ tìm cách trừng phạt các công ty nước ngoài giao dịch với Cuba, EU đã buộc Mỹ phải từ bỏ việc này bằng cách đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa.
Hôm 16/5, tập đoàn năng lượng Total đã tham gia cùng nhiều doanh nghiệp châu Âu khác trong việc phát đi các tín hiệu về khả năng rút khỏi những hợp tác với Iran do Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc ký với Tehran năm 2015.
Trong khi đó, ba nguồn tin thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ thông tin cho rằng hội nghị của các nhà ngoại giao tại Vienna (Áo) dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới là nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị gặp phải nguy hiểm sau sự rút lui của Mỹ, bằng cách thảo luận đề xuất viện trợ tài chính cho Iran để đổi lấy những nhượng bộ của nước này.
Ba nguồn tin trên, là những người tham gia đàm phán nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran hồi năm 2015, nêu rõ: "Hội nghị tại Vienna ngày 25/5 tới sẽ tập trung vào việc thực thi các vấn đề và chi tiết của thỏa thuận này. Hội nghị sẽ không bao gồm bất kỳ vấn đề nào khác."
Trước đó cùng ngày, báo Welt am Sonntag (Đức) đưa tin các nhà ngoại giao châu Âu, Trung Quốc và Nga đang thảo luận về một thỏa thuận mới, nhằm cung cấp viện trợ tài chính cho Iran để đổi lấy việc Tehran cắt giảm chương trình tên lửa đạn đạo và hạn chế can thiệp vào các vấn đề khu vực./.