|
Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khu vực thể chế thực chất là việc nhóm các đơn vị thể chế có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế vào cùng một nhóm.
Phân chia nền kinh tế theo khu vực thể chế để thu thập tài liệu tài chính, tiền tệ từ lâu đã được các nước thành viên của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thực hiện. Mặt khác, trong thống kê Tài khoản quốc gia, việc lập các tài khoản kinh tế vĩ mô đều sử dụng các phân tổ khu vực thể chế và đơn vị thể chế. Ở Việt Nam, (cụ thể là Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước) để tuân thủ các yêu cầu quốc tế về thống kê tiền tệ và tài chính của IMF hay Liên hợp quốc đã áp dụng các phân tổ khu vực thể chế trong tính toán số liệu, ví dụ việc cung cấp số liệu theo Hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) cho IMF hay việc lập các tài khoản kinh tế vĩ mô GFS (thống kê tài chính chính phủ), cán cân thanh toán quốc tế,...
Mặc dù phân tổ theo khu vực thể chế đã được sử dụng trong tính toán số liệu thống kê tài chính tiền tệ, song văn bản pháp quy quy định về khu vực thể chế của Việt Nam chưa được ban hành, dẫn đến việc sử dụng chưa được thống nhất ở một số phân tổ, vì vậy việc xây dựng một văn bản pháp quy quy định về khu vực thể chế là điều cần thiết.
Theo dự thảo, phân loại khu vực thể chế Việt Nam gồm 6 khu vực thể chế: 1. Khu vực thể chế phi tài chính; 2. Khu vực thể chế tài chính; 3. Khu vực thể chế Nhà nước; 4. Khu vực thể chế hộ gia đình; 5. Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình; 6. Phần còn lại của thế giới.
Mỗi khu vực thể chế được chi tiết đến cấp 3. Tổng số gồm 13 mã cấp 2, 16 mã cấp 3. Phần nội dung phân loại mô tả chi tiết các đơn vị thể chế được xếp vào khu vực thể chế tương ứng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
LP