Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 đạt trên 4,3 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) - Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD.
Phát triển ngành tôm: Chú trọng đăng ký đối tượng nuôi chủ lực - Ảnh 1.

Năm 2023 phấn đấu diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750.000 ha - Ảnh minh họa

Hôm nay (3/3), Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 để nhìn lại kết quả năm 2022 và thảo luận nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam đạt 737.000 ha, cơ bản không tăng so với năm 2021. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú ước đạt 622.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 115.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 745.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm sú đạt 271.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 474.000 tấn.

Năm 2022, ngành tôm có sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,1 - 4,2 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2021 là một điểm sáng đáng chú ý.

Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750.000 ha, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, phát triển ngành tôm đang vướng ở công tác chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình sản xuất giống, nguồn gốc xuất xứ chưa được kịp thời tại một số địa phương. Đây là nguyên nhân gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý sản xuất tôm.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp). Ngoài ra, chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp...

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm liên hoàn; ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2023; chỉ đạo thực hiện tốt quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý sai phạm (nếu có).

Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh bảo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y... Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao.

Nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa, nhân rộng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC... Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đỗ Hương

122 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 985
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 985
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87094265