Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 10 tỷ USD 

(ĐCSVN) - Đó là mục tiêu của ngành thủy sản trong năm 2020 được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức chiều 26/12, tại Hà Nội.

 

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Năm 2019 là năm khó khăn của ngành thủy sản khi một số ngành hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp nói chung và các mặt hàng thủy sản nói riêng, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.

Dù vậy, ngành thủy sản vẫn đạt những kết quả tích cực. Trong đó, ước năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 6,25% so với năm 2018. Tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.

Trong năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1,3 triệu ha, sản lượng nuôi đạt 4,38 triệu tấn (bằng 105,2% so với cùng kỳ năm 2018). Riêng sản lượng tôm nuôi các loại đạt 820 nghìn tấn. Về khai thác thủy sản, kết quả khai thác năm 2019 ước đạt 3.770,7 nghìn tấn, tăng 4,5% so với năm 2018.

Năm 2019 là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Trong đó,  diện tích ương giống, nuôi thương phẩm ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019. Ả rập - xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam; một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra...Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu đã giảm từ cuối tháng 3 đến nay, sau 2 năm tăng trưởng liên tục.

Trước tình hình đó, Tổng cục đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019, đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra điều kiện chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra; triển khai Đề án cá tra 3 cấp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cá tra, thực hiện Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã chủ động điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, giảm lượng thức ăn. Với các biện pháp đó, sản lượng thu hoạch cá thương phẩm có xu hướng duy trì ở mức như năm 2018 trong khi diện tích tăng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020.

Năm 2020, ngành thủy sản có nhiều lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát An toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm Silurifomes do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn, trong đó có việc mở lại thị trường Ả rập - Xê út. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với những khó khăn về thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến khó lường của xung đột thương mại Trung-Mỹ, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường,...đòi hỏi sự nỗ lực cao của toàn ngành để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2020, ngành thủy sản đề ra mục tiêu giữ ổn định diện tích nuôi trồng so với ước thực hiện năm 2019, tổng diện tích 1,3 triệu ha. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 10 tỷ USD, bằng 116,3% so với 2019.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Tổng cục Thủy sản, ngành sẽ tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.  Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cung cấp sản lượng thủy sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trên lĩnh vực khai thác thủy sản, theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả, đặc biệt các lễ ra quân khai thác trước và sau Tết Nguyên đán.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, cần có đánh giá bài bản về thất thoát sau thu hoạch nhằm nhìn thấy rõ bức tranh này ở mỗi khâu, mỗi nghề. Qua đó, có giải pháp cho định hướng của khai thác thủy sản, nên tăng giá trị của sản phẩm khai thác, giảm gia tăng sản lượng?. Điều này đòi hỏi cần quan tâm tới việc đầu tư dài hạn, thúc đẩy nhanh việc triển khai ứng dụng các công nghệ sẵn có để giảm thất thoát thu hoạch. Bên cạnh đó, cần bám sát thực tiễn để chỉ đạo sản xuất, đồng thời khai thác tiềm năng từ nuôi trồng thủy sản còn nhiều tiềm năng,…/.

 

 

 
BT
347 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1182
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1182
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87101295