|
Hội nghị tổng kết “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm nay (28/9).
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2021, mặc dù bệnh dại đã được kiểm soát tốt hơn giai đoạn 2011-2016, nhưng trung bình mỗi năm vẫn có 79 người tử vong vì bệnh này; trên 500.000 người bị chó, mèo cắn buộc phải điều trị dự phòng, gây tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế khoảng hơn 3.800 tỷ đồng.
Theo Bộ Y tế, mặc dù đạt được nhiều kết quả thông qua “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” nhưng số ca tử vong trên người chưa giảm một cách bền vững. Tổng số tỉnh, thành phố có ca bệnh dại cũng chưa giảm so với giai đoạn 2011-2016.
Cùng với đó, một số tỉnh có nguy cơ thấp và trung bình đã trở thành địa phương nguy cơ cao về bệnh dại, như trong năm 2020 và năm 2021 dịch bệnh dại gia tăng rõ rệt tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía nam. Nguyên nhân tử vong do dại vẫn là không tiêm vaccine phòng bệnh này và tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Thực tế, bệnh dại là bệnh có thể phòng và loại trừ được nếu các địa phương quan tâm chỉ đạo quản lý đàn chó; tiêm phòng vaccine dại cho chó và tuyên truyền điều trị dự phòng cho người bị chó mắc hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất, cần tiếp tục xây dựng và triển khai “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030” để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong thời gian tới, phù hợp với Chiến lược kiểm soát bệnh dại đến năm 2030 của thế giới và khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu chung của dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 hướng đến việc kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh này vào năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, với tổng đàn chó nuôi lớn, khoảng 7,5 triệu con trên cả nước, nguy cơ bệnh dại xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại, cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp, các tổ chức, ban ngành, đặc biệt là cộng đồng, nhất là chủ nuôi chó, mèo.
Đỗ Hương