Phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 17,5 tỷ USD trong năm 2023 

(ĐCSVN) - Bước sang năm 2023, ngành Lâm nghiệp đề ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt từ 5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở khoảng 42%; giá trị xuất khẩu lâm sản khoảng 17,5 tỷ USD.

 

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

 Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: B.T)

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa, trong năm 2022, toàn ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, trong năm 2022, đã triển khai trồng rừng 259.615ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 105,9% so với năm 2021. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Về bảo vệ rừng, đã phát hiện và xử lý 3.624 vụ phá rừng. Diện tích rừng bị tác động 1.081ha, giảm 1% so với năm 2021. Về cháy rừng, đã xảy ra 85 vụ, giảm 111 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% so với năm 2021. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Xuất siêu ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2021.

Tham gia phát biểu ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Minh Toại – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của ngành Lâm nghiệp, trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tập trung vào công tác xúc tiến tuyển sinh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo. Hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, nhà trường đang tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư để làm sao nâng cao chất lượng nguồn lực và cơ sở vật chất của nhà trường. Để giữ vững được ví trị đầu ngành về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, PGS.TS Phạm Minh Toại mong muốn Lãnh đạo Bộ NN&PTNT có kiến nghị với Chính phủ để có các chính sách đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nhất là lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.

Tại Hội nghị, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, toàn ngành đề ra mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5-5,5%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định ở khoảng 42%; giá trị xuất khẩu lâm sản khoảng 17,5 tỷ USD. Trồng rừng tập trung 245.000ha, trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000-6.000ha, trồng rừng sản xuất 240.000ha. Thu dịch vụ môi trường rừng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong năm 2023, ngành Lâm nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và triển khai Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Triển khai các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; sử dụng môi trường rừng bền vững, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ngoài ra, chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn ODA và FDI thông qua các chương trình, dự án quốc tế; phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế, các hiệp định đã ký kết.Tăng cường triển khai công tác thông tin, truyền thông, thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực lâm nghiệp và công tác cải cách hành chính,…/.

 
B.T
291 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1069
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1069
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 82097268