Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023 

(ĐCSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ chuyển biến tích cực. Đây là động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. 

Sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra

Trình bày báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Năm 2022, mặc dù còn có chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những hậu quả để lại rất nặng nề của đại dịch COVID-19, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ucraina, với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Báo cáo đầy đủ đã đánh giá chi tiết tình hình triển khai thực hiện, từ đó rút ra 09 nhóm kết quả đạt được, 04 nhóm hạn chế, khó khăn chủ yếu trong 4 tháng đầu năm, phân tích nguyên nhân, bối cảnh và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.

Cụ thể, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định; khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng tăng 12,8%. Ngành du lịch tiếp tục phục hồi mạnh; khách quốc tế đến nước ta 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.

Ngành giáo dục tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; tập trung bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022 - 2023; tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; rà soát, chủ động phương án biên chế giáo viên tại các địa phương nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ...

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng 1.109 km đường bộ cao tốc, 1 cầu dây văng khẩu độ lớn, 14 cơ sở trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng… Đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,3 triệu lượt người lao động, bằng 132% tổng số đối tượng dự kiến hỗ trợ (4 triệu người).

Về chi đầu tư phát triển, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng: Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch 161.848,315 tỷ đồng; Số vốn 14.151,685 tỷ đồng còn lại: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với phương án phân bổ số vốn 13.369,468 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao vốn; 782,217 tỷ đồng còn lại  không được phân bổ tiếp theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 …

Kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu... được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực khi tình hình thế giới được cải thiện, thuận lợi hơn, đồng thời, nhiều chính sách, giải pháp điều hành được sửa đổi, bổ sung và ban hành từ đầu năm đến nay đã và đang phát huy tác động tích cực, nhất là các giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đầu tư, xuất nhập khẩu, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu,... đi vào cuộc sống. Một số dự án lớn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sớm được đưa vào khai thác cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng quý II và cả năm 2023.

Đây là những động lực quan trọng để tiếp tục phấn đấu nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2023, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15.

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh sách của các nước, đối tác để kịp thời dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời.

Chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm và chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát huy các FTA đã ký kết; tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng thị trường, mặt hàng; triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước. Nghiên cứu, tham mưu các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội; cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút FDI trong bối cảnh áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Bên cạnh đó, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các loại bệnh truyền nhiễm, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, các dự án đường cao tốc, đường vành đai, đường ven biển và hạ tầng đô thị lớn; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…/.

 
Bích Liên
486 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1281
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1281
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87145936