PHÂN CÔNG CẤP ỦY VIÊN CẤP TỈNH DỰ SINH HOẠT CHI BỘ KHU DÂN CƯ: TẠO SỰ GẮN KẾT VỚI CƠ SỞ, GẦN DÂN, SÁT DÂN 

Thời gian qua, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên luôn được các cấp ủy quan tâm; chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước đi vào nề nếp, nội dung sinh hoạt phong phú và có nhiều đổi mới; đội ngũ cấp ủy cơ sở thường xuyên được quan tâm củng cố, kiện toàn. Đến nay nhiều tổ chức cơ sở đảng giữ vững và phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở; chất lượng tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh được nâng lên.

Nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy các cấp đối với cơ sở, tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở trong việc xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó, xác định sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII tiếp tục chỉ đạo phân công cấp ủy viên dự sinh hoạt chi bộ thôn bản, khu dân cư (gọi chung là khu dân cư) tại các địa phương trong tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 141-TB/TU, ngày 22/7/2021 về việc phân công địa bàn dự sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu dân cư đối với Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thông báo nêu rõ, việc phân công dự sinh hoạt chi bộ thôn, bản, khu dân cư phải cơ bản đồng bộ gắn với phân công địa bàn phụ trách của các đồng chí: Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và địa bàn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026.  Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy có thể phân công địa bàn dự sinh hoạt chi bộ nhiều hoặc ít hơn địa bàn mình ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 để đảm bảo mỗi địa bàn đều có 01 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo. Ngoài đồng chí Thường trực Tỉnh ủy được phân công, tùy tình hình cụ thể, mỗi địa bàn phân công từ 01 đến 02 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từ 03 đến 05 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Các đồng chí bí thư huyện, thị, thành ủy dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn mình phụ trách. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ quy mô nhỏ nên chỉ phân công đồng chí Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy. Không phân công 02 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng khối hoặc 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng dự sinh hoạt tại một địa bàn.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phân công đối với từng đồng chí Tỉnh ủy viên tham dự sinh hoạt chi bộ tại địa bàn dân cư, trong đó bao gồm các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đồng chí được phân công chủ động xây dựng kế hoạch, thông tin với địa phương để thống nhất việc sắp xếp, bố trí dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư đảm bảo số lần dự theo quy định 04 lần/năm và tránh trường hợp nhiều đồng chí cùng dự sinh hoạt với 01 chi bộ thôn, bản, khu dân cư trong cùng 01 phiên sinh hoạt    

Ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy xây dựng kế hoạch phân công cấp ủy viên cấp mình định kỳ sinh dự hoạt chi bộ tại địa bàn dân cư, đồng thời, bố trí thành phần, thời gian, địa điểm, tạo điều kiện để các đồng chí Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt chi bộ. Định kỳ hằng quý, phối hợp với các đồng chí Tỉnh ủy viên báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Việc phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên dự sinh hoạt tại chi bộ địa bàn dân cư để hướng dẫn, nắm tình hình tư tưởng đảng viên và nhân dân; việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, những khó khăn, vướng mắc của chi bộ; việc ban hành nghị quyết thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng loại hình chi bộ; công tác quản lý đảng viên; việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; kịp thời biểu dương, nhân rộng những chi bộ thực hiện tốt, có cách làm hay; phê bình, nhắc nhở những chi bộ thực hiện chưa tốt để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng ở cơ sở. Bên cạnh đó, thông tin về các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của tỉnh có liên quan đến nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Thông qua việc tham dự sinh hoạt chi bộ, các đồng chí Tỉnh ủy viên trao đổi, rút kinh nghiệm, uốn nắn, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nội dung, quy trình sinh hoạt chi bộ; giúp cấp ủy, chi bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh ở cơ sở, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở địa bàn dân cư. Qua việc dự sinh hoạt chi bộ, cấp ủy cấp trên nắm bắt sát, đúng, kịp thời tình hình cơ sở, từ đó chỉ đạo xử lý hoặc xin ý kiến xử lý kịp thời những phức tạp mới phát sinh; ban hành được những chủ trương, nghị quyết chính xác, cụ thể, dễ đi vào cuộc sống. Đồng thời, dự sinh hoạt với chi bộ cũng là dịp để cán bộ lãnh đạo các cấp gần dân, sát dân, góp phần rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Thực tiễn khẳng định rằng, tất cả chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống phải được quán triệt đến chi bộ, đến với đảng viên và ngược lại, thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện ở chi bộ là cơ sở quan trọng nhất để hình thành chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Do vậy, cùng với việc ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở là thực sự cần thiết.

Để thực hiện nghiêm túc tinh thần Thông báo 141, thiết nghĩ việc dự sinh hoạt chi bộ cần đặt thành một trong những tiêu chí xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp ủy; bên cạnh sự nhập cuộc của những người được phân công còn đòi hỏi sự hợp tác từ phía cấp ủy, chính quyền sở tại trong việc gắn kết các đồng chí được phân công với chi bộ cơ sở. Tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện quy định về dự sinh hoạt chi bộ ở địa phương được phân công phụ trách cùng với nhận thức đúng và đủ của cấp ủy địa phương nơi tiếp nhận đều thật cần thiết để chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng nâng cao, để tổ chức đảng ở cơ sở là điểm tựa tin cậy của Nhân dân khi có sự tham gia của những người đứng đầu cấp ủy địa phương, ngành, lĩnh vực.

Phải làm gì để buổi sinh hoạt chi bộ có lãnh đạo dự không rơi vào tình trạng hình thức, để đảng viên nói thẳng, nói thật cũng là một vấn đề cần đặt ra. Thiết nghĩ, trước hết phải làm tốt việc bồi dưỡng cho đội ngũ bí thư, phó bí chi bộ để từng đồng chí nắm chắc nghiệp vụ công tác Đảng, nghiệp vụ bí thư chi bộ. Cấp ủy chi bộ cần nắm chắc yêu cầu, nội dung, cách tổ chức, điều hành một buổi sinh hoạt chi bộ. Người chủ trì phải bảo đảm đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nguyên tắc tập trung dân chủ, chủ động gợi mở vấn đề để đảng viên tham gia phát biểu ý kiến, nói thẳng, nói thật những khó khăn, vướng mắc, những bất cập, phức tạp đang diễn ra ở cơ sở. Đặc biệt, việc dự sinh hoạt chi bộ của các đồng chí cấp ủy viên phải được tiến hành thực chất, đảm bảo chất lượng, tránh qua loa, hình thức. Cán bộ lãnh đạo dự sinh hoạt chi bộ phải thực sự cầu thị, biết lắng nghe, trân trọng, tiếp thu ý kiến thì mới nhận được những lời nói thật từ cơ sở. Hải Yến

 

 

 

 

 

 

2572 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 988
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 988
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76823815