Sáng 27/10, tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức Hội thảo khoa học: “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và những vấn đề đặt ra đối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên”.
|
Hội thảo “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương và những vấn đề đặt ra đối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên”
|
Tham dự Hội thảo có đại diện một số cơ quan, đơn vị Trung ương tại miền Trung, Tây Nguyên; lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên; các nhà nghiên cứu, quản lý, giảng viên công tác tại các cơ quan, đơn vị, học viện, trường đại học tại miền Trung, Tây Nguyên…
Báo cáo đề dẫn Hội thảo cho biết, ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiên các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được qui định cụ thể tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013.
Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Điều 12 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bỗ sung năm 2019) quy định về nguyên tắc phân quyền cho chính quyền địa phương trên các nội dung: Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.
Trong phương hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội XIII tiếp tục đặt ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”. Theo đó, phân cấp, phân quyền đã và đang được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trao quyền tự chủ hơn góp phần tạo điều kiện cho chính quyền và lợi thế của các địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của từng cấp, ngành trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở nước ta nói chung và ở miền Trung - Tây Nguyên nói riêng với những kết quả đạt được thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề phân cấp, phân quyền.
Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phân cấp, phân quyền vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Các quy định của pháp luật chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyên, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; Việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành và chính quyển địa phương ở một số lĩnh vực chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyển lực; thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; phân cấp, phân quyền nhưng không kèm theo điều kiện bảo đảm, không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.... Chính vì vậy, phân cấp, phân quyền đã và cũng sẽ tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nhân sự, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực; tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm giải trình của các chủ thể; nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm soát; thúc đẩy giám sát, phản biện xã hội đối với chính quyền...
Từ những vấn đề đặt ra đó, Hội thảo sẽ chia sẻ, góp bàn của cán bộ, giảng viên và những cán bộ làm công tác thực tiễn để giúp cho cán bộ, đảng viên trong Học viện và các đại biểu tham dự Hội thảo nâng cao hơn nữa nhận thức, củng cố thêm niềm tin và tiếp tục phải kiên định.
|
Quang cảnh tại Hội thảo “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương và những vấn đề đặt ra đối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên”
|
Với ý nghĩa trên, Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề như: Quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; phân cấp, phân quyền trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các yếu tố ảnh hưởng đến phân cấp, phân quyền hiện nay tại Việt Nam; thể chế hóa và tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền trong thực tiễn xây dựng mô hình chính quyên đô thị, mô hình nông thôn, trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay; phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, về quản lý ngân sách ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên,... gắn với tăng cường hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu, tham luận tập trung các vấn đề có liên quan. Trong đó đáng chú ý là các tham luận: Pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, địa phương và định hướng hoàn thiện; giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện phân cấp cấp, phân quyền của chính quyền địa phương tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay; kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực hiện phân cấp, phân quyền tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên - vấn đề đặt ra và giải pháp; hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách gắn với yêu cầu phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu, Hội thảo là diễn đàn trao đổi, cung cấp nhiều tư liệu bổ ích, thiết thực, gợi mở nhiều vấn đề về phân cấp, phân quyền để các cơ quan Trung ương, địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý tiếp tục nghiên cứu trong nhiều diễn đàn khác có liên quan./.