Phân cấp để giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính 

(Chinhphu.vn) – Việc phân cấp giúp giảm bớt tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước; giúp rút ngắn thời gian đi lại nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

 

Phân cấp để giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan: Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phân cấp - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Được sự đồng ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), ngày 21/6, tại Vĩnh Phúc, VPCP tổ chức Hội thảo phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực trọng tâm.

Tham dự Hội thảo có hơn 120 đại biểu là thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, các chuyên gia, lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND và sở ngành 17 tỉnh, thành phố.

Phân cấp để cá thể hóa trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, phân cấp, phân quyền cho các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương là nhiệm vụ được Đảng định hướng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong giai đoạn gần đây.

Phân cấp giải quyết thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của phân cấp để cá thể hóa trách nhiệm, tăng tính chủ động, sáng tạo.

Theo ông Ngô Hải Phan, với sự chủ động, tích cực của VPCP trong việc tham mưu và hướng dẫn cách thức triển khai rà soát, tiêu chí đề xuất phương án phân cấp, cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay, chúng ta đã rà soát hơn 5.900 thủ tục hành chính, đề xuất phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với hơn 800 thủ tục hành chính của 21 bộ, ngành, chiếm tỷ lệ hơn 14%.

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị sửa đổi, bổ sung để thực thi phương án phân cấp là 262, trong đó có 36 luật, 98 Nghị định, 05 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 03 Thông tư liên tịch, 117 Thông tư, 03 Quyết định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã giao VPCP xây dựng Quyết định phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Việc xây dựng Quyết định phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính lần này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc rà soát toàn bộ thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp để điều chỉnh thẩm quyền giải quyết. Đề án không đi vào những vấn đề mang tính nguyên tắc mà trực tiếp xây dựng từng phương án phân cấp cụ thể.

Phương án phân cấp trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể sẽ do các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất, VPCP tổng hợp ý kiến của các bộ và chủ động nghiên cứu, rà soát độc lập để xây dựng Đề án, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên VPCP hướng dẫn và huy động các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc tham gia việc rà soát tổng thể thủ tục hành chính theo chuyên đề, tập trung vào thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.

Tại Hội thảo, ông Ngô Hải Phan cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm đang triển khai về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; triển khai các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp; phối hợp triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Theo ông Ngô Hải Phan, trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều khẳng định cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế tương đối tốt nhưng khâu yếu nhất vẫn là khâu tổ chức thực thi. Hiện nay, chúng ta đã có công cụ, do đó công tác cải cách thủ tục hành chính sẽ có nhiều bước chuyển hơn trong thời gian tới, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

"Tới đây, sẽ có các công cụ như Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công và Cổng tham vấn, tra cứu quy định kinh doanh, từ đó, giúp chấm điểm cụ thể từng xã, huyện, từng đơn vị, nơi nào làm thủ tục nhanh hay chậm, om hồ sơ sẽ rõ hết, không thể nói dối được", ông Ngô Hải Phan cho biết thêm.

Nhấn mạnh phân cấp thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số, ông Ngô Hải Phan cho rằng công tác cải cách đòi hỏi mỗi chuyên viên phải không ngứng đổi mới sáng tạo, không lệ thuộc vào những gì đã có, nếu rập khuôn máy móc, tiếp cận ở góc độ truyền thống thì không thể thành công.

Phân cấp để giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh 2.

Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 120 đại biểu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Phải gắn liền với cải cách các yếu tố khác của thủ tục hành chính để bảo đảm tính toàn diện, triệt để

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính từ các sở, ngành, ý kiến của các đơn vị tham mưu công tác cải cách thủ tục hành chính tại địa phương và ý kiến của các cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp về các phương án phân cấp từ Trung ương xuống địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Trà Lê, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, trong thời gian qua, VPCP đã chủ động tổ chức rà soát độc lập để đề xuất phương án phân cấp; lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, thành viên Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng về phương án phân cấp do VPCP rà soát độc lập và do bộ, ngành, địa phương đề xuất.

Nhìn chung, các bộ, cơ quan đã thấm nhuần tinh thần đẩy mạnh phân cấp; tiến hành rà soát toàn bộ thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý có khả năng phân cấp để đề xuất tổng thể, đề ra phương án thực thi và lộ trình cụ thể, phù hợp gắn với việc sửa đổi, bổ sung VBQPPL từ luật, Nghị định cho đến thông tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu hết phương án phân cấp chưa gắn liền với cải cách, đơn giản hóa các yếu tố khác của thủ tục hành chính để bảo đảm tính toàn diện; chưa có tính đồng độ, nhất quán trong phân cấp giải quyết thủ tục hành chính giữa các lĩnh vực, một số thủ tục hành chính tính chất tương tự nhau nhưng cấp giải quyết khác nhau (Ví dụ: Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, cấp chứng chỉ hành nghề Bộ Y tế đã phân cấp từ Bộ về Sở thực hiện, trong khi nhiều lĩnh vực của các Bộ khác vẫn do Bộ thực hiện).

Còn theo bà Tạ Thị Minh Lý, Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), hiện nay vẫn còn tư tưởng "hành là chính" "cơ chế xin cho" trong tâm lý những người đến gặp cơ quan hành chính. Đây là điều nguy hại không chỉ cho nền hành chính mà còn khiến mất lòng tin vào các cơ quan nhà nước.

Do đó, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm bớt tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước; giúp rút ngắn thời gian đi lại nộp hồ sơ và nhận kết quả, giảm nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đây là lợi ích có thể lượng hóa bằng con số cụ thể, cho thấy việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính là rất thiết thực. 

Đồng thời, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính giúp các địa phương chủ động thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; rà soát, loại bỏ chồng chéo và phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, giữa các cơ quan, đơn vị, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý.

Thông qua phân cấp, vai trò của các cấp hành chính ở địa phương ngày càng được khẳng định; khuyến khích, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

"Tuy nhiên, suy đến cùng việc phân cấp vẫn là vấn đề cán bộ, cán bộ phải vì dân, làm tốt thì mới có kết quả", bà Lý bày tỏ quan điểm.

Bà Lý cũng kiến nghị phân cấp thủ tục hành chính là phải gắn liền với cải cách, đơn giản hóa các yếu tố khác của thủ tục hành chính (thành phần hồ sơ, yêu cầu điều kiện, trình tự thực hiện, thời gian giải quyết) để bảo đảm tính triệt để và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho số hóa, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Đối với một số thủ tục hành chính đặc thù hoặc không thể phân cấp toàn diện, có thể tiến hành phân cấp từng bước, tách nhỏ các đối tượng, quy mô, phạm vi để phân cấp tương ứng, bảo đảm tính phù hợp, khả thi và thực nghiệm theo khu vực, lĩnh vực.

Đồng thời cần sự tham gia tích cực của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các đơn vị, tổ chức, cá nhân bên ngoài nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong quá trình nghiên cứu, rà soát và thực hiện phân cấp...

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các địa phương cũng cho thấy những bài học trong cải cách, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, đó là rất cần sự quyết tâm chính trị; cách làm, công cụ phù hợp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; tập huấn, đào tạo cho người sử dụng công cụ; truyền thông tạo sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành và huy động hợp tác công tư hiệu quả.

Hoàng Giang

235 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 555
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 555
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87185069