Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với ông Ousmare Dione,
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ảnh: Tấn Thạnh
Ngày 27/3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về hợp tác hợp tác công tư (PPP) trong một số lĩnh vực trên địa bàn.
Tham dự có hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ông Ousmare Dione.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách giai đoạn 2016-2020 của Thành phố là 326 nghìn tỷ đồng (khoảng hơn 14 tỷ USD). Trong khi đó, khả năng cân đối từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu đầu tư.
Chính vì vậy, ngoài nguồn vốn từ nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, Thành phố đã tập trung huy động vốn cho đầu tư bằng nhiều hình thức để tạo nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn, trong đó có hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo thống kê, tính từ năm 2000 đến thời điểm hiện nay có 22 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng PPP với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 69.869 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 3 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án thuộc lĩnh vực môi trường và 1 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hợp tác công tư được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn đầu tư cơ sơ hạ tầng kỹ thuật nhất là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi trong thời gian vừa qua số lượng dự án PPP chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của thành phố nhưng nguồn lực xã hội đã huy động gấp 3 lần tổng nguồn lực đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Như vậy, một dự án hợp tác công tư có thể giúp thành phố huy động khoảng 3.000 tỷ đồng từ xã hội. Đây là một nguồn lực đầu tư khá lớn, trong khi mỗi năm ngân sách chỉ có thể cân đối khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay, mặc dù đạt được một số mặt tích cực, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cho thấy còn nhiều thách thức, rào cản, trong đó hệ thống hành lang pháp lý cần được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Chính vì vậy, thông qua hội thảo này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong mong muốn lắng nghe ý kiến của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đề xuất những giải pháp mới ưu việt hơn để lĩnh vực này luôn là công cụ quan trọng thu hút đầu tư của Thành phố.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết tạo mọi điều kiện đầu tư tốt nhất để các nhà đầu tư có những trải nghiệm mới khi lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư lâu dài của mình.
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmare Dione cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là một đại đô thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước. Nhưng nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì Thành phố không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn về hạ tầng và dịch vụ. Vì vậy, Thành phố cần cải thiện hiệu quả đầu tư công và hướng đến việc phát huy tốt hơn nguồn lực từ khu vực tư nhân. PPP sẽ là một giải pháp cho vấn đề trên.
Dẫn chứng nhiều quốc gia đã thành công với PPP, song ông Ousmare Dione cho rằng không phải lúc nào cũng thành công ở mọi quốc gia và có nhiều trường hợp đã thất bại. Vì vậy, để triển khai PPP thành công, các bên tham gia phải nhìn nhận đây là mô hình hợp tác dài hạn, trong đó khu vực công và tư cùng chia sẻ không chỉ lợi ích mà cả rủi ro. Cùng với đó, việc thực hiện dự án PPP cần đảm bảo nguyên tắc của thị trường, đặt yếu tố cạnh tranh, công bằng và minh bạch…
Bà Victoria Rigby Delmon, Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra những hạn chế trong thu hút đầu tư PPP tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bà Victoria Rigby Delmon, do hạn chế về kinh nghiệm đầu tư PPP nên nhiều dự án đầu tư của Thành phố kết quả không nhất quán. Cùng đó là các dự án đều theo đề xuất của nhà đầu tư với phần lớn dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) hoặc phương án tuyển chọn từ một nguồn duy nhất, dẫn tới thiếu tính minh bạch và cạnh tranh. Bà Victoria Rigby Delmon nhận định, nhà đầu tư tư nhân rất nhạy cảm với rủi ro quốc gia, đặc biệt là tham nhũng.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các dự án PPP tại Việt Nam hiện nay, chưa có được chiến lược dài hạn và thống nhất trong thực hiện dự án PPP; thiếu cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh từ cơ quan Nhà nước (do vướng luật). Hiện Bộ đang soạn dự thảo về Luật PPP để trình Chính phủ xem xét. Dự kiến tháng 5/2020 Quốc hội thông qua Luật PPP.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trương Nguyễn Đăng Trương cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đã có Văn phòng PPP là đi tiên phong trong cả nước, còn lại các địa phương chỉ làm PPP không theo bài bản. Bởi vậy, ông Nguyễn Đăng Trương khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn các dự án PPP phù hợp để kêu gọi hợp tác đầu tư. Rà soát các quy định về xác định mức giá phù hợp trên nguyên tắc thị trường, bảo đảm tính đúng, tính đủ, đồng thời nghiên cứu hiệu quả các quỹ đầu tư hiện có...
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải thay đổi cách làm cũ là nhà đầu tư trình dự án lên và cơ quan Nhà nước phê duyệt. Thành phố phải tự mình đề xuất các dự án trước, để các nhà đầu tư đưa ra các giải pháp của họ; đồng thời có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cũng như hiệu quả mang lại của dự án PPP sẽ tốt hơn./.
Phạm Cường