Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có phiên đối thoại với đại biểu dự Đại hội.
Trả lời các câu hỏi được các sinh viên đặt ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, mỗi bạn trẻ phải luôn có tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên trong từng việc làm, hành động cụ thể, từ đó góp phần lan toả những giá trị tốt đẹp, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, giàu lên, xây dựng cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với sinh viên tại Đại hội - Ảnh: Minh Châu
Với mong muốn của sinh viên là có thêm nhiều chính sách hỗ trợ học bổng toàn phần để “giữ chân” các sinh viên giỏi, ưu tú không theo học các trường đại học nước ngoài, Phó Thủ tướng chia sẻ cho biết, hiện cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho sinh viên như cho vay tín dụng, các quỹ học bổng trong trường đại học cũng như của các đoàn thể, tổ chức xã hội… Về lâu dài, chính sách học bổng thu hút sinh viên giỏi, ưu tú sẽ giúp các trường đại học ở Việt nam nâng cao uy tín.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngay cả khi đi học, làm việc ở nước ngoài thì cũng có nhiều cách để các sinh viên giỏi có thể cống hiến cho đất nước. Mới đây nhất, một mạng lưới quy tụ các trí thức, nhà khoa học trẻ của Việt Nam trên toàn thế giới đã được thiết lập để đóng góp về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước; nghiên cứu khoa học; đào tạo theo yêu cầu; chuyển giao tri thức...
Đại biểu Đinh Song Thương, Học viện Cảnh sát nhân dân đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng - Ảnh: Minh Châu
Trả lời về ý kiến đề nghị công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc biết ngoại ngữ là rất quan trọng cho học tập và công việc trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hiến pháp năm 2013 có quy định ngôn ngữ chính của nước Việt Nam là tiếng Việt và các dân tộc ít người khác có quyền dùng ngôn ngữ của mình. Do vậy ngôn ngữ chính thức của Việt Nam là tiếng Việt, không có tiếng nước ngoài nào là ngôn ngữ thứ hai, thứ ba.
Trả lời câu hỏi về triết lý giáo dục Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khái niệm về triết lý nói chung và triết lý giáo dục nói riêng nhận được nhiều sự tranh luận giữa các nhà khoa học cũng như trong xã hội.
“Nhiều người tìm hiểu triết lý giáo dục ở một số nước có nền giáo dục phát triển được khái quát bằng một số từ nhưng khi nghiên cứu sâu hơn thì không rõ căn cứ pháp lý. Vì vậy, không nên hiểu đơn giản là dùng một số từ để khái quát triết lý của một nền giáo dục”, Phó Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh nền giáo dục Việt Nam cũng có đầy đủ nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu và có thể cô đọng ở mức độ nhất định. Nhưng thay vì tranh luận, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi sinh viên, giảng viên hãy thực hiện tốt các quy định, chế độ, chính sách về giáo dục để học tập, giảng dạy thật tốt theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến về vấn đề triết lý giáo dục trong quá trình biên soạn Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung.
Trả lời câu hỏi về Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và việc kết nối, chia sẻ trao đổi thông tin cho sinh viên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, điều quan trọng là phải xoá mù tri thức bằng công nghệ, đây cũng là ý tưởng của Hệ tri thức Việt số hoá.
Mục tiêu đặt ra là quy tụ mọi nguồn dữ liệu đang nằm rải rác ở khắp nơi để tạo thành “kho dữ liệu lớn”, được hệ thống hoá, phân loại xác thực, xử lý bằng trí tuệ nhân tạo. Tiếp đó với sự phổ cập Internet qua thiết bị thông minh cá nhân, sẽ trợ giúp trực tiếp cho việc học tập của từng người dân ở mọi lúc, mọi nơi.
Trên thực tế, việc triển khai Hệ tri thức Việt số hoá đa \ng đạt được những tiến bộ tích cực, đặc biệt trong các phân hệ về giáo dục, sức khoẻ, du lịch với một số ứng dụng chuẩn bị được ra mắt./.
Minh Châu