Ngày mai (23/5), Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/5, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã trao đổi với phóng viên về các vấn đề xung quanh việc xây dựng các đặc khu kinh tế.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế ?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Quốc hội. Chúng ta muốn xây dựng những đặc khu kinh tế để tạo ra những động lực phát triển, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội.
Chúng ta thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của 3 khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) chính là cơ chế, chính sách tạo ra động lực phát triển cho đất nước. Đây chính là những nơi thực nghiệm những chính sách, những cơ chế vượt trội. Khi tổng kết đánh giá mà đó là những động lực phát triển thì sẽ trở thành căn cứ để vận dụng các cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế của đất nước. Tôi nghĩ đó là điều hết sức quan trọng, Quốc hội nên ủng hộ Chính phủ để chúng ta có đặc khu vượt trội.
PV: Tuy nhiên, có không ít ý kiến lo ngại về việc trao quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Đã gọi là đặc khu kinh tế đặc biệt thì phải có sự vượt trội, phải được thực nghiệm những chính sách mà pháp luật chưa quy định nhưng không được trái với Hiến pháp.
Nhiều người lo lắng rằng giao quyền cho người đứng đầu, địa phương rất lớn thì sợ vượt quá thẩm quyền, vì vậy chúng ta phải có chế tài, quy định để quản lý cho chặt, phải gắn quyền với trách nhiệm. Quyền cao hơn thì trách nhiệm phải lớn hơn!
Nếu chưa làm mà sợ thì làm sao phát triển đất nước được?. Tôi hy vọng Quốc hội lần này xem xét và hoàn thiện để chúng ta có thể xây dựng đặc khu kinh tế, tạo động lực phát triển cho đất nước. Đây cũng là mong muốn của các địa phương.
PV: Có một thực tế, mặc dù dự án Luật này chưa được thông qua song giá đất tại những khu vực này đã tăng rất cao. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Tất cả những vấn đề này đều là quy luật kinh tế. Khi đang chuẩn bị phát triển thì sẽ có người tìm cách đầu tư kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải quản lý cho chặt và thực hiện chính sách cho đúng. Phải đầu tư theo đúng chính sách, đừng để một số đối tượng lợi dụng chính sách, chạy trước chính sách tạo ra lợi ích nhóm và phải xử lý nghiêm.
Còn khi chúng ta đã hình thành đặc khu kinh tế thì có các nhà đầu tư đến thúc đẩy phát triển là điều rất đáng mừng, nhưng rõ ràng phải tránh đầu tư trục lợi và lợi ích nhóm. Khi mới bắt đầu hình thành thì những vấn đề liên quan đến đất đai, chính sách chúng ta phải xem xét hết sức cẩn thận. Khi chưa có luật mà tranh thủ đầu tư chính là trục lợi.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
trao đổi với phóng viên. Ảnh: TH
PV: Theo Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Ba đặc khu tương lai cũng sẽ có nhiều ưu đãi cả về mặt thể chế lẫn thuế, điều kiện kinh doanh. Vậy, việc thu hồi nguồn vốn đầu tư trở lại ngân sách nhà nước sẽ lấy từ đâu, thưa ông?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Thực ra đầu tư vào các đặc khu kinh tế không phải hoàn toàn là nguồn ngân sách Nhà nước. Dứt khoát nguồn ngân sách Nhà nước bỏ ra phải thu hồi lại được.
Quan trọng là Nhà nước phải kêu gọi được các nhà đầu tư. Khi các nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ thì trong quá trình đầu tư phát triển sẽ đóng góp ngân sách cho Nhà nước, đó là nguồn để thu lại ngân sách.
Đừng nghĩ toàn bộ đầu tư vào các đặc khu là tiền ngân sách. Quan trọng là chúng ta tạo cơ chế, động lực, sức hút để thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhóm PV