Đó là ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cùng bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực.

 Chặng đường kinh tế Việt Nam 75 năm qua có nhiều thành tựu và cũng không kém phần gian nan (Ảnh: HNV)

Phóng viên: Ông, bà đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của nền kinh tế nước ta trong suốt thời gian qua?

Bà Đặng Thị Thu Hoài: Trước khi đề cập tới thành tựu kinh tế trong nước, mình phải nhìn ra thế giới, so sánh tương quan rồi mới đánh giá cụ thể, chi tiết. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố ngày 27/5/2020 với tên gọi “Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao” đã đánh giá, Việt Nam là câu chuyện thành công về phát triển, là một trong những nước cải thiện mức sống nhanh nhất thế giới với tỷ lệ giảm nghèo nhanh. Nhờ các chương trình cải cách và việc gia nhập WTO, Việt Nam đạt nhiều thành tựu, trong đó có đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn, thu hút hơn 10 tỷ USD đầu tư, lần đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế...

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi khá đồng tình với nhận định của WB tại Việt Nam, tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, thành công so với chính mình chứ so với các nước thì rất khó nói, đặc biệt như so sánh với Singapore, Hàn Quốc. Chúng ta thành công so với thời điểm  giành được độc lập, nhưng công cuộc phát triển kinh tế còn đối mặt với rất nhiều thách thức, như hiện nay, nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh nói đúng ra cũng không phải là thứ mới mẻ, điểm mấu chốt là ở cách điều hành kinh tế. Đại dịch COVID -19 chỉ cho ta thêm bằng chứng để Chính phủ nhận thức được sự linh hoạt trong điều hành chính sách ngày càng quan trọng.  Phải chấm dứt ngay thực trạng 1 dự án đầu tư mà phải 4-5 năm mới triển khai được. Thực tiễn kinh tế thay đổi rất nhanh có thể xuất hiện rất nhanh, mô hình kinh doanh có thể xuất hiện và có thể biến mất nhanh, 1 doanh nghiệp đòi hỏi tính năng động rất cao...

Bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực, CIEM (Ảnh: HNV)

Phóng viên: Nếu vậy thì có vẻ như Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức?

Bà Đặng Thị Thu Hoài: Có thể thấy rằng, giai đoạn dễ dàng đã qua rồi. Hiện thế giới đang biến động khôn lường, các công thức phát triển cũ gần như không sử dụng được nữa. Thứ nhất, các lợi thế trước đó chúng ta đã khai thác hết rồi (tài nguyên thiên nhiên, lao động). Thứ hai, bản thân thế giới cũng thay đổi cả về toàn cầu hóa, với các tác động của công nghệ 4.0. Lao động không còn là lợi thế vì đã có những thành tựu công nghệ 4.0... Thêm nữa, các biến động chính trị, xung đột vũ trang cũng phần nào tác động chính sách kinh tế khiến cho hội nhập không còn dễ dàng.

Rõ ràng, chiến lược công nghiệp hóa cũ đã không còn phù hợp. Hiện phát triển đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo và phải nhanh chứ không phải đơn thuần chuyển dịch cơ cấu ngành, chậm và chắc. Bởi nếu mình không đổi mới sáng tạo thì không nâng cao được vị thế, không vượt lên được; mình chậm thì các nước khác sẽ tiến nhanh hơn, nghĩa là với các chính sách kinh tế phải khuyến khích cái mới, cái sáng tạo, phải hình thành văn hóa chấp nhận rủi ro... Nhưng thực tế, bộ máy chúng ta đang vận hành khá chậm chạp và hoạt động theo kiểu an toàn, do đó chưa tận dụng được cơ hội để vượt lên.

Ông Phan Đức Hiếu: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, với nhiều tình huống, trường hợp, Chính phủ có phản ứng nhanh nhưng địa phương chậm, ý tưởng chính sách xuất hiện nhanh nhưng quá trình ban hành và triển khai thực hiện chậm. Bản thân quốc tế cũng nhìn nhận, thể chế vẫn là rào cản lớn nhất nhưng quan trọng là một số trụ cột: chất lượng quy định, cách xây dựng thể chế vẫn còn bất cập, chẳng hạn như nhìn vào từng luật tốt nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp tuân thủ luật thì bắt đầu phát sinh nhiều vấn đề và đó cũng là lý do làm gia tăng chi phí kinh doanh, mất cơ hội kinh doanh...

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM (Ảnh: HNV) 

Phóng viên: Theo ông, bà, chúng ta cần phải có những giải pháp nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra?

Ông Phan Đức Hiếu: Điều quan trọng là cần một tư duy mới. Phải ghi nhận những thành tựu cơ bản kinh tế đạt được trong thời gian qua của nước ta về xóa đói giảm nghèo, vị thế uy tín quốc tế... nhưng thực chất, đó cũng mới là tiến bộ của ta so với ta. Điều này cũng bắt nguồn từ việc chúng ta xuất phát điểm thấp với nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nhưng đã vượt lên, đạt được tăng trưởng ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, điều e ngại hiện nay chính là “bẫy” trung bình, mà theo dự tính phải mất 15 năm nữa với tăng trưởng vượt bậc mới đạt mức trung bình cao. Đây là một bài toán khó. Chúng ta không thể vội vui mừng.

Sắp tới, phải làm gì? Điều này đã được đề cập rất nhiều rồi. Mô hình phát triển phải dựa vào năng suất, đổi mới sáng tạo. Hiện, Việt Nam mới đang triển khai việc xóa bỏ các rào cản trong khi các nước đang ở thế chể thúc đẩy. Chúng ta phải nhanh chóng tạo lập một cơ chế đảm bảo an toàn và bảo vệ được các hoạt động sáng tạo, khơi dậy tinh thần dám làm dám chịu, loại trừ nhũng nhiễu của cán bộ cơ sở.

Bà Đặng Thị Thu Hoài: Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với ông Phan Đức Hiếu. Điều kiện tiên quyết phải là đổi mới sáng tạo với cách làm mới, tư duy mới.

Báo cáo của WB cũng cảnh báo, một số động lực cho sự tăng trưởng chính của Việt Nam đang giảm xuống. Lợi thế từ dân số vàng đang mất đi, trong bối cảnh thương mại toàn cầu lại đang suy giảm. Ngoài ra, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức khác ngày một gia tăng như ô nhiễm, xu thế tự động hóa. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể đẩy nhanh những xu hướng này.

Bởi thế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 cần đặt trọng tâm vào tăng năng suất, dựa trên huy động, sử dụng  và phân bổ hiệu quả các nguồn vốn khác nhau - vốn tư nhân, vốn nhà nước, vốn nhân lực, vốn tự nhiên, đặc biệt cần đặt trọng tâm vào tích lũy và phát huy năng lực đổi mới sáng tạo. Những cải cách toàn diện và sâu rộng về thể chế và thị trường sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những động lực trên.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn cuộc trao đổi của hai chuyên gia!

 
Lê Anh (thực hiện)