Phải dẹp bỏ một nửa điều kiện kinh doanh logistics 

(Chinhphu.vn) - Nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh trong ngành logictics. Những điều kiện kinh doanh này đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị về logistics ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao. Trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 60%, cộng cả lưu kho, bốc dỡ là khoảng 91%.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng các Bộ trưởng cần rất quyết liệt trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Bà Trần Thị Lan Anh từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định ngành nghề kinh doanh logictics vẫn còn tồn tại rất nhiều điều kiện kinh doanh vô lý.

“Ví như Nghị định 160/NĐ-CP yêu cầu trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ đại lý tài biển, lai dắt tàu biển, yêu cầu doanh nghiệp phải có bộ phận hoạt động quản lý kinh doanh, khai thác vận tải biển, bộ phận thực hiện công tác pháp chế… Những điều kiện này đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, những điều kiện như vậy cũng không thể đáp ứng được mục tiêu quản lý nhà nước”, bà Lan Anh nói và nhấn mạnh quan điểm “nhà nước không thể ép doanh nghiệp lớn nên bằng mệnh lệnh hành chính”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận trong lĩnh vực GTVT vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh. Ông khẳng định có thể chỉ ra "hàng trăm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh vô lý".

“Tôi cho rằng chúng ta phải bỏ ít nhất 1/2 điều kiện kinh doanh hiện có của ngành này”, ông Cung nói và nhấn mạnh quá trình bãi bỏ các điều kiện kinh doanh thật sư “không hề dễ dàng”.

“Bây giờ mà bảo bỏ điều kiện kinh doanh thì tiếc lắm; Bộ trưởng bảo phải bỏ, kêu bỏ nhưng trong nhiều cơ quan lại tiếc lại bảo “cái này phải giữ” thì có khi chả bỏ được điều kiện nào”, ông Cung thẳng thắn nói.

Theo ông Cung, các bộ ngành nên học Bộ Công Thương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. “Để làm được việc này, bộ phải rất quyết liệt. Thậm chí, Bộ phải đề ra được đến ngày nào, tháng nào thì phải cắt được những điều kiện kinh doanh nào, phải có mục tiêu cụ thể”, ông Cung nhấn mạnh quan điểm của mình.

“Nếu các Bộ trưởng không quyết liệt thì không làm được đâu. Vì các vụ, cục không muốn bỏ. Bộ trưởng phải rất quyết liệt, thậm chí phải áp đặt là cắt giảm bao nhiêu phần trăm thủ tục hành chính”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Mặt khác, theo quan điểm của ông Cung, ứng xử của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp cũng là vấn đề quan trọng: “Cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi vô cảm, lạnh lùng, vô trách nhiệm trong việc cải cách thủ tục hành chính. Cơ quan quản lý cần thay đổi thái độ làm việc, trách nhiệm làm việc”, ông Cung nói.

Về vấn đề giải pháp, ông Cung nhấn mạnh: “Doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều giải pháp. Những tồn tại trong ngành logictics đã tồn tại trong nhiều năm, vậy các bên phải ngồi lại với nhau để giải quyết những vấn đề trên”.

Bộ GTVT cắt giảm 60% điều kiện kinh doanh

Tại hội thảo, rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành logictics đã được các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất. Nhưng ông Cung lại cho rằng các giải pháp này lại “chung chung quá”.

Vì vậy, Viện trưởng CIEM đưa ra kiến nghị: “Sau hội thảo, chúng ta cần một chỉ thị, một chỉ đạo cụ thể để khắc phục tình trạng này, làm sao để trong vài tháng tới, việc tháo gỡ những khó khăn trong ngành logictics sẽ có kết quả”, ông Cung nói.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Ngay sau hội nghị, Bộ GTVT sẽ có chỉ thị thực hiện kết luận của Thủ tướng. Hiện Bộ GTVT cũng đã rà soát và tới đây sẽ báo cáo Chính phủ cắt giảm hơn 300 thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, tương đương cắt giảm hơn 60%, dù Thủ tướng chỉ yêu cầu cắt giảm 50%”.

Bộ GTVT cũng rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là hội nghị rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề mà như phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung là giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhất trí với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Thủ tướng bổ sung thêm một vấn đề nữa cần chấn chỉnh là tình trạng “vô thời hạn”.

Nhấn mạnh tinh thần tổ chức hội nghị thì phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về vấn đề mới mẻ này thì sau hội nghị sẽ có Chỉ thị về phát triển logistics.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết những kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, logistics; cắt giảm ngay các thủ tục hành chính không cần thiết. Thủ tướng giao Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến tại hội nghị, đưa vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Hà Chính

513 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1182
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1182
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87124543