|
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: Thùy Chi |
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Vì thế, đây là vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, coi công tác quy hoạch đô thị khâu rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung, phát triển đô thị nói riêng.
Do đó, bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19, để thực hiện tốt việc phát triển “mục tiêu kép” hiện nay, Chính phủ vẫn đặc biệt chú trọng đến công tác này nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên con đường phát triển đất nước.
Tốc độ phát triển cần tương xứng với tiềm năng
Đánh giá về công tác quy hoạch thời gian qua, ông Nguyễn Văn Hải nhận định, nhờ đầu tư và triển khai đồng bộ nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng, trong những năm qua diện mạo đô thị đã khang trang, hiện đại hơn. Các quy hoạch được phê duyệt cho thấy định hướng rất tốt để triển khai các ngành kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, bảo đảm đúng định hướng cũng như giúp cho đất nước giàu mạnh hơn.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đã tạo nên một lối sống mới, diện mạo đô thị khác biệt, khắc phục được nhiều tồn tại hạn chế, từ giao thông, cấp nước đến điều kiện tự nhiên. Tất cả đã mang lại hiệu quả thiết thực so với thời điểm chúng ta chưa có quy hoạch, đây là thành quả rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia, đầu tư phát triển lĩnh vực này. Từ đó, góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Hải do những yếu tố khách quan, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, chưa đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. “Chính vì vậy, tôi thấy việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch vào ngày mai (19/8) là việc làm rất cần thiết. Đây là cơ hội để các cơ quan chức năng, các địa phương cùng rà soát, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng nêu một trong số những việc mà công tác quy hoạch chưa thực hiện được, ví dụ việc thực hiện Quy hoạch số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó có kế hoạch di chuyển tất cả các bộ ngành ra khỏi Thủ đô, tuy nhiên đến nay sau 10 năm nhưng vẫn chưa làm được.
“Với Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, chúng tôi đánh giá rất tích cực Luật này, tuy nhiên khi triển khai thì thấy rằng cần có một quy hoạch ‘mẹ’ để liên kết, kết nối, tích hợp các quy hoạch chuyên ngành, các quy hoạch đặc thù trong một bản quy hoạch, mà chúng ta có thể gọi nôm na là nhạc trưởng”, ông Hải cho hay.
Theo ông Hải, trong dự án quy hoạch có nhiều công việc, hạng mục công trình. Vì thế không thể triển khai cùng một lúc mà cần "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp chỉ đạo cách làm, cái nào làm trước, cái nào làm sau để tạo ra phản ứng dây chuyền theo hướng tích cực.
Để gỡ rối cho Luật Quy hoạch hiện nay, ông Hải cho rằng cần lập bộ phận thẩm định phê duyệt quy hoạch, lập thẩm định phê duyệt đồ án, sau đó công bố và triển khai quy hoạch. Giai đoạn ban đầu chuẩn bị triển khai cần tích hợp các quy hoạch trong quy hoạch thành phố, trong đó nêu rõ số lượng quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch ngành, quy hoạch đặc thù trong quy định cứng.
“Vấn đề thứ 2 là rút kinh nghiệm từ việc triển khai quy hoạch chung trước đây, chúng ta cần phải đặc biệt chú ý đến nội hàm của quy hoạch đó để khi triển khai chi tiết không bị vướng. Thành phần và nội hàm quy hoạch cần phải được hướng dẫn rất cụ thể”, ông Hải phân tích.
Trong việc lập đồ án, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng cần phải định hướng khai thác tiềm năng theo kế hoạch dài hơi, tầm 10 hay 20 năm để quy hoạch không bị lạc hậu. Đồng thời, công tác thẩm định cần lựa chọn chuyên gia đủ tầm để thẩm định, phát hiện, điều chỉnh quy hoạch. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn như buộc phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện ích công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan. Khi lập hay điều chỉnh quy hoạch đều ưu tiên hạ tầng xã hội đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội.
Biến quy hoạch trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội cho quốc gia
Theo ông Nguyễn Văn Hải, để đất nước phát triển thì cần phải có một quy hoạch toàn diện, tiềm năng đặc biệt là phải biến quy hoạch trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội cho quốc gia. “Qua kinh nghiệm làm công tác quy hoạch nhiều năm, các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều đánh giá xác định vai trò của quy hoạch; quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là những quy hoạch rất căn bản được xem xét, lựa chọn, ưu tiên, tập trung triển khai, coi đây là một định hướng quan trọng trong phát triển đất nước hay phát triển lãnh thổ”, ông Hải cho hay.
Để có một quy hoạch toàn diện, tiềm năng, ông Nguyễn Văn Hải cho rằng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, khi lập quy hoạch cần phải đưa ra được một quy hoạch xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong phát triển kinh tế-xã hội. Điều tiên quyết và cũng là điều quan trọng nhất chính là ý chí của các nhà lãnh đạo, phải coi quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Coi nhiệm vụ này là ưu tiên cần triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ.
“Tiếp theo là nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện quy hoạch, đào tạo tốt hơn nữa đội ngũ kiến trúc sư, làm công tác lập thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra, tăng cường nhân lực trong lĩnh vực này, bởi hiện nay lực lượng thực hiện quy hoạch đang bị quá tải. Khi quá tải thì chất lượng sẽ không tương xứng, không đáp ứng được yêu cầu”, ông Hải phân tích.
Bên cạnh đó, vai trò của các bộ ngành có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quy hoạch. Sự tháo gỡ của các bộ ngành, các cơ quan ban hành chính sách, chế độ, hay thể chế có vai trò rất quan trọng, bởi trong quá trình thực hiện có rất nhiều vướng mắc, bất cập khi các luật bị vênh nhau.
Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học, thậm chí lấy ý kiến rộng rãi những chuyên gia và cộng đồng dân cư. Vai trò của cộng đồng đối với quy hoạch rất quan trọng, để quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, người dân đồng thuận, ủng hộ, việc này cũng giúp cho quy hoạch đạt hiệu quả cao khi triển khai, không có nguy cơ trở thành quy hoạch treo.
“Thực tiễn làm công tác quy hoạch nhiều năm tôi thấy chúng ta cần quan tâm hơn ý kiến của cộng đồng dân cư. Một số nước trên thế giới làm quy hoạch từ dưới lên trên, khi muốn xây dựng, quy hoạch họ xin ý kiến của dân cư trước. Ví dụ như tại Australia, họ còn lấy ý kiến các gia đình có học sinh tiểu học để xem ước mơ của các em là gì?”, ông Hải cho hay.
Nhắc tới điều kiện cần đưa ra khi thực hiện quy hoạch, ông Hải cho rằng, bất cứ quy hoạch nào cũng phải đáp ứng 3 điều kiện: Thứ nhất là làm lợi cho người dân để khi quy hoạch người dân được hưởng lợi từ quy hoạch đó. Thứ hai là doanh nghiệp khi tham gia cũng thực hiện cũng phải thực hiện có hiệu quả. Thứ ba là vai trò của nhà nước. Ba lợi ích này đều cần phải có.
“Một việc nữa cũng rất quan trọng trong lập quy hoạch là đặt quy hoạch vào đúng vai trò và vị trí của nó. Trong mỗi nhiệm kỳ, quy hoạch cần được đặt đúng vị trí, vai trò và mục đích. Khi đã được đặt đúng vai trò thì các cơ quan chức năng, tổ chức đã được phân công sẽ thực hiện bằng tất cả trách nhiệm để quy hoạch đạt hiệu quả tối đa”, ông Hải nói.
Thùy Chi