Phải chắt chiu, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn để góp phần thúc đẩy tăng trưởng 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong bối cảnh KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải chắt chiu, giải ngân, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Trong bối cảnh KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải chắt chiu, giải ngân, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo. Ảnh VGP

Chiều 8/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 đã làm việc với 8 cơ quan Trung ương kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
 

Trước đó, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Theo quyết định, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác số 2, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Tổ công tác đã làm việc với 6 địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 30/11/2021, tổng số vốn của của các bộ, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra được phân bổ năm trong năm 2021 khoảng 3.000 tỷ đồng, đến nay số vốn đã giải ngân là trên 1.500 tỷ đồng, đạt khoảng 50,39%. Trong số này, Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất (70,51%); 2 cơ quan giải ngân trên 50%; 3 cơ quan trên 40%; 1 cơ quan đạt 36,46% và thấp nhất đạt 23,53%.

Về nguyên nhân giải ngân chậm, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch bệnh COVID-19; giá cả các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,… tác động trực tiếp đến chi phí doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng,...

Nguyên nhân chủ quan được chỉ ra là công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số cơ quan còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác chuẩn bị của một số dự án còn sơ sài, chất lượng kém nên gặp vướng mắc khi triển khai; việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán còn bất cập;…

Đáng chú ý, các cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra phần lớn gặp khó khăn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng, bộ máy giúp việc cho thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực.

Đặc biệt là kỷ cương, kỷ luật còn chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm, chậm trễ trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công chưa kịp thời, nghiêm minh; việc sửa đổi bổ sung một số quy định của pháp luật về đầu tư công còn chậm…

 

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, rà soát lại từng dự án, để có giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm thực hiện giải ngân đạt kết quả cao nhất có thể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gợi ý trong cùng điều kiện, tại sao có đơn vị giải ngân đạt trên 70%, nhưng cũng có cơ quan mức giải ngân rất thấp, chỉ trên 20%, phải chăng là do chủ quan, do khâu tổ chức thực hiện… Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phải phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục hiệu quả.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan (Viện KSND Tối cao, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) bày tỏ thống nhất với các nội dung báo cáo đã chỉ ra, đồng thời phân tích rõ hơn nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, cần phải giải quyết sớm như: Thủ tục và tài chính trong giải phóng mặt bằng; quy định về quy trình nghiệm thu; thực hiện phân cấp cho địa phương nhưng gặp khó khăn do thiếu cán bộ có chuyên môn về đầu tư, xây dựng;…

Các đơn vị cam kết trong thời gian tới sẽ nỗ lực phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất. Đồng thời cũng kiến nghị một số nội dung về: Kéo dài thời gian giải ngân; có giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng giá đột biến một số loại vật liệu xây dựng, nhân công; sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp…

Sau khi nghe các ý, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh trong bối cảnh KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải chắt chiu, giải ngân, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tổng hợp các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng nêu rõ: Qua báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến của các đơn vị, có thể nói vốn cho các đơn vị không lớn, dự án không nhiều (khoảng 3.000 tỷ đồng, đã giải ngân trên 50%), đây là mức thấp hơn so với bình quân chung của các bộ ngành cơ quan Trung ương và bình quân của cả nước là mức thấp, trừ Đài Tiếng nói Việt Nam đạt trên 70%.

Giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, lý do, đại diện các cơ quan đã chỉ ra là: Do tác động của dịch COVID-19, nhiều địa phương giãn cách trong thời gian dài, một số bộ, ngành có đơn vị trực thuộc tổ chức theo ngành dọc, dự án trong vùng cách ly y tế sẽ bị ảnh hưởng. Đây là nguyên nhân khách quan và là nguyên nhân lớn nhất.

Mặt khác, năm nay (2021) là năm đầu nhiệm kỳ, theo quy định phải xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 nên việc phê duyệt bị ảnh hưởng; do đặc thù, hệ thống tổ chức của một số bộ ngành trải dài trên cả nước, ví dụ như Viện KSND Tối cao, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), trong quá trình triển khai xây dựng, các đơn vị trực thuộc ở xa Trung ương, cán bộ không quen việc quản lý các dự án đầu tư nên tiến độ bị ảnh hưởng; một số quy định của pháp luật chưa thực sự hợp lý, dẫn đến vướng mắc trong giải ngân.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện nên phải khẩn trương khắc phục trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, đồng thời chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bài bản trong từng khâu, từng hạng mục để đến lúc có vốn sẽ triển khai được ngay.

Về các ý kiến kiến nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đưa vào báo cáo và tổng hợp chung với báo cáo của 5 Tổ kiểm tra khác.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra tiếp tục rà soát lại nội dung báo cáo, cập nhật chuẩn xác số liệu giải ngân hết tháng 11/2021, ước đến hết tháng 12/2021 và ước đến thời hạn cuối cùng 31/1/2022, qua đó đề xuất các giải pháp xử lý cụ thể.

Nhấn mạnh thời gian không còn nhiều, đất nước đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan cố gắng nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm, rà soát lại từng dự án để có giải pháp cụ thể, hiệu quả nhằm thực hiện giải ngân đạt kết quả cao nhất có thể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH./.

Trần Mạnh

414 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1126
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1126
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87218729