Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TA)
Một số nơi việc nắm bắt dư luận xã hội của cấp ủy nặng về “nghe”
Thông tin tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Lê Thị Kim Oanh cho biết: Trong những năm qua, công tác điều tra, nắm bắt nghiên cứu, tập hợp dư luận xã hội đã từng bước đi vào nền nếp, giúp các cấp ủy, chính quyền có thêm thông tin, đánh giá đúng hơn, sát hơn tư tưởng của các tầng lớp nhân dân; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, giải quyết vấn đề dư luận xã hội quan tâm, góp phần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Nhờ làm tốt công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ nắm, tổng hợp tình hình nhân dân, dư luận xã hội trong hệ thống Mặt trận, do vậy, hàng tháng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp nắm tình hình dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân báo cáo với cấp ủy đảng có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; phối hợp tham mưu giải quyết các điểm nóng trên địa bàn thành phố.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nắm bắt dư luận xã hội này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng thông tin phản ánh còn chưa đồng đều, vẫn có tình trạng thông tin phản ánh thiếu toàn diện, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thông tin phản ánh còn thiếu chiều sâu; tính dự báo đã được chú trọng nhưng còn chưa thật rõ... Còn không ít nơi việc nắm bắt dư luận xã hội của cấp ủy nặng về “nghe” mà coi nhẹ việc tiếp thu, điều chỉnh; cấp thành phố cũng như cơ sở còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin phản hồi, định hướng trở lại…
Các đại biểu nhấn mạnh, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên bắt nguồn từ việc nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội chưa rõ. Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên làm công tác này ở nhiều đơn vị hầu hết không có chuyên môn sâu, theo chế độ kiêm nhiệm. Cơ cấu cộng tác viên ở một số nơi chưa bám sát địa bàn tiềm ẩn điểm nóng, còn nặng về số lượng, cơ cấu theo địa giới hành chính… Từ đó, đặt ra đòi hỏi phải thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nắm bắt, tập hợp và phản ánh dư luận, nếu không những luồng thông tin trái chiều sẽ có "đất sống", để lại những tác động gây ảnh hưởng xấu với xã hội.
Tập trung nắm cho được tâm trạng, thái độ, nhận thức của nhân dân
Để công tác này được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, theo ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, dư luận xã hội và hoạt động giám sát, phản biện xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Dư luận xã hội là một yếu tố quan trọng giúp cho hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ thông qua việc nắm bắt dư luận xã hội sẽ giúp cho MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở để hoạt động giám sát và phản biện dân chủ hơn, phản ánh đầy đủ hơn ý kiến, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Do đó, việc lựa chọn các vấn đề dư luận xã hội để phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận xuất phát từ yêu cầu chính trị và nhu cầu thực tế cuộc sống đặt ra. “Quá trình tiếp cận, thu thập dư luận xã hội tùy hoàn cảnh cụ thể mà người cán bộ Mặt trận cần thẳng thắn, khéo léo, chân tình trao đổi để làm rõ và tìm được tiếng nói chung" - ông Thảo bộc bạch.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TA)
Ở một góc độ khác, PGS TS Đàm Đức Vượng, nguyên Viện trưởng Viện Nhân tài Nhân lực cho rằng, cần phải biết phân biệt đúng, sai mỗi khi có dư luận xã hội. Muốn vậy, phải thật sự cầu thị, thật sự khách quan trong quá trình xem xét sự kiện và hiện tượng, không để cho sự kiện, hiện tượng bị méo mó, xuyên tạc. Bên cạnh đó, phải có trình tự trong quá trình thăm dò dư luận xã hội và phải đặt nó trong quy trình liên kết: Phát hiện - khai thác - nắm bắt - điều tra - phân tích - kết luận; phải biết chọn vấn đề để đưa vào dư luận xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải có định hướng đúng trong nắm bắt dư luận xã hội.
Từ thực tế tại cơ sở, ông Dương Như Suất, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quốc Oai cho biết, hằng tuần, hằng tháng, Ủy ban MTTQ huyện đều tổng hợp các nguồn thông tin đã tiếp nhận được từ các cộng tác viên, qua giám sát, nắm bắt trực tiếp, từ tìm hiểu qua báo mạng để phân tích, đánh giá các luồng ý kiến từ các nguồn thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân để xem xét đâu là dư luận, đâu là tin đồn thổi. Sau nghiên cứu, phân tích, có phương án để định hướng dư luận xã hội theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng….
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định: Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông, nếu cán bộ Mặt trận vẫn giữ các phương thức hoạt động như cũ thì sẽ không hiệu quả, sẽ thụt lùi,... Vì vậy, thời gian tới, Mặt trận cần tập trung nắm cho được tâm trạng, thái độ, nhận thức, tổ chức thực hiện của người dân ở cơ sở về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các quy định của thành phố. Cán bộ Mặt trận phải phấn đấu vươn lên để hoàn thiện, cập nhật kiến thức, đưa vấn đề dư luận xã hội về đúng bản chất của nó…/.
Trung Anh