Phải cảnh giác hơn với sự cố, thiên tai 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cần có tâm thế "cảnh giác hơn" với sự cố, thiên tai trong bối cảnh tình hình thời tiết thời gian qua diễn biến rất bất thường.
Phải cảnh giác hơn với sự cố, thiên tai - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu cần có tâm thế "cảnh giác hơn" với sự cố, thiên tai trong bối cảnh tình hình thời tiết thời gian qua diễn biến rất bất thường - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng nêu yêu cầu trên khi kết luận Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của Ủy an Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, diễn ra tại Hà Nội chiều 7/8.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong 7 tháng đầu năm, số lượng cơn bão và áp thấp trên Biển Đông chỉ bằng ½ so với mọi năm nhưng đã có 2 siêu bão.

Cả nước xuất hiện 16 đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến từ 35-38o­C, đặc biệt tại Tương Dương, Nghệ An ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lên đến 44,2oC.

Trong khi đó, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 50-100% so với mức trung bình cùng kỳ những năm trước. Đáng chú ý, dù có những nơi lượng mưa khá thấp nhưng vẫn xảy ra sạt lở đất đá.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban, trong chức trách, nhiệm vụ được giao, tiến hành rà soát các tiểu đề án đang triển khai, phương án và kịch bản sẵn có để có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới.

Công tác dự báo phải "kịp thời và chuẩn xác hơn", có sự kết nối, hợp tác với các đài thủy văn trong khu vực, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin tuyên truyền, Phó Thủ tướng gợi ý cần đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, bao gồm cả tin nhắn trực tiếp nhằm bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời nhất đến với người dân.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng phải phối hợp tốt ngay từ khâu chuẩn bị cũng như trong quá trình tham gia khắc phục sự cố để công tác này đạt hiệu quả cao nhất trong điều kiện nguồn lực và trang thiết bị còn hạn chế.

Theo Báo cáo của Ủy ban, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự phát triển kinh tế xã hội trên các vùng miền đất nước, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 7 tháng đầu năm, ­­­­­cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, mất tích 78 người, bị thương 291 người; chìm, cháy, hỏng 302 phương tiện, cháy 628 nhà xưởng; 1.176 ha rừng, sập đổ, tốc mái 9.075 nhà; hư hại 45.536 ha lúa và hoa màu...

Toàn quốc phải huy động 53.490 lượt người và 3.633 lượt phương tiện các loại để ứng phó, khắc phục với 1.753 vụ, cứu được 1.595 người và 178 phương tiện, hướng dẫn và di dời 747 hộ dân với 3.011 người tới nơi an toàn, thông báo hướng dẫn cho 103.898 phương tiện và 754.909 người biết thông tin của bão, áp thấp nhiệt đới để kịp thời vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, riêng Bộ Quốc phòng đã điều động 37.786 lượt cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và 1.885 lượt phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục 1.227 vụ, cứu và hướng dẫn, di dời đến nơi an toàn 758.731 lượt người và 103.992 lượt phương tiện, chữa cháy 251 nhà và 1.124 ha rừng.

Trong tháng 2/2023, do thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, một số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận không thể về bờ, lương thực, thực phẩm đã hết.

Để bảo đảm an toàn cho ngư dân hoạt động vươn khơi bám biển, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân hướng dẫn cho 203 tàu với 740 ngư dân của tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận vào nơi tránh trú tại quần đảo Trường Sa, kịp thời hỗ trợ hơn 3 tấn gạo, trên 22.000 lít nước ngọt, nhu yếu phẩm cho ngư dân.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất đá nghiêm trọng tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và một số tỉnh Tây Nguyên, các đơn vị quân đội đã di dời 174 hộ với 876 người dân đến nơi an toàn, nhanh chóng ổn định đời sống.

Bộ Công an điều động lực lượng tham gia dập tắt 881 vụ cháy, cứu nạn, cứu hộ 417 vụ, cứu được 566 người bị mắc kẹt ra nơi an toàn; điều động 3.184 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp nhân dân di dời tài sản, điều chỉnh, hướng dẫn giao thông và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên.

Công an các địa phương chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toan giao thông, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn đê, kè, hồ đập, xử lý nghiêm 117 vụ vi phạm đê điều.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị trong ngành giao thông vận tải triển khai thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai ứng phó của các cơ quan, đơn vị trong khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là xử lý hư hỏng kết cấu hạ tầng, bảo đảm giao thông trên hệ thống quốc lộ, đường sắt Bắc Nam.

Bộ cũng chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải tham gia 18 vụ, huy động 423 lượt người và 22 lượt phương tiện, kết quả cứu được 32 người và 1 phương tiện.

Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, bổ sung phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập thủy điện, phương án phòng chống lũ lụt, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, tràn dầu. Chỉ đạo Trung tâm cấp cứu mỏ rà soát các phương án chống ngập, lụt mỏ, sạt lở bãi thải…

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trong tháng 8

Tổng cục Khí tượng thủy văn dự báo từ ngày 9-10/8, khu vực Bắc Bộ có mưa dông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to từ 40-70 mm. Từ ngày 11-13/8, khu vực Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào và dông, lượng mưa không lớn bằng cuối tháng 7, mưa chủ yếu tập trung vào chiều tối và đêm. Nửa cuối tháng 8 mưa dông sẽ mạnh hơn và tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn đầu tháng 8.

Tổng cục Khí tượng thủy văn cảnh báo xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm do El Nino tiếp tục duy trì đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024, vì thế các địa phương trong vùng cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Từ nay đến cuối năm, có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, chủ yếu tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía nam (từ tháng 10 đến tháng 12).

Với dự báo trên, khả năng xảy ra các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 8 và tháng 9.

Hải Minh

49 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 945
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 945
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77038580