Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược NN&PTNT (Bộ NN&PTNT), Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Ông Trần Công Thắng cũng cho biết, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch. Đồng thời, hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản và lâm nghiệp; hạ tầng thương mại như xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics như cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh.
Ngành cũng sẽ hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành hàng chiến lược, liên kết với nông dân thông qua kinh tế hợp tác; phát triển hệ sinh thái ngành hàng, trong đó doanh nghiệp đầu tầu đảm bảo vai trò hạt nhân, phát triển hợp tác xã với chuỗi giá trị, đồng thời đổi mới, nâng cao vai trò của hội, hiệp hội…
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, bản Chiến lược đã được chuẩn bị rất kỹ càng và có tham vấn đầy đủ các thành phần. Tuy nhiên, để việc thực hiện chiến lược này đáp ứng được kỳ vọng thì cần sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương, để mỗi người dân hiểu và thực hiện được chính sách.
Ông Việt cũng cho rằng, cần thiết phải có những đột phá trong chính sách liên quan đến đất đai: "Chúng ta nên hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai. Trung Quốc đã có trung tâm như thế này. Đất nông nghiệp không sử dụng được đưa lên hệ thống, doanh nghiệp nào cần trung tâm sẽ kết nối cho doanh nghiệp và nông dân gặp nhau".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ về Chiến lược và hy vọng lực lượng truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin, góp phần vào sự phát triển của ngành giai đoạn tới - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…
Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm là quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội. Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.
Để đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản. Kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.
Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.
Quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Ngành sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.
Chiến lược này hướng đến việc nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo.
Đỗ Hương