Phá nát con sông lịch sử  

Nạn khai thác cát không chỉ tàn phá dữ dội sông Thạch Hãn, địa danh lịch sử hào hùng của tỉnh Quảng Trị, mà còn gây ra nhiều hệ lụy xấu, thiệt hại cho người dân

Chúng tôi có mặt tại sông Thạch Hãn, đoạn qua xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, lúc mặt trời đứng bóng. Không gian yên tĩnh giữa trưa bị xé toạc bởi tiếng máy tàu, thuyền hút cát trên sông.

Như chốn không người

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ, lần lượt gần 20 thuyền chở đầy cát xuôi sông Thạch Hãn để đi tiêu thụ. Mỗi thuyền có từ 2-3 người đàn ông, ngang nhiên chở cát như chốn không người và cũng chừng đó thuyền rỗng ngược lên thượng nguồn. Thuyền ra vào lấy cát còn nhiều hơn ghe, tàu vận chuyển hàng hóa.

Chúng tôi bám theo một chiếc thuyền rỗng có đầy đủ các thiết bị hút cát lên phía thượng nguồn Thạch Hãn. Sau khi áp sát bờ, 3 “cát tặc” trên thuyền bắt đầu thả ống hút cát xuống lòng sông. Tiếng máy nổ rền vang, khói đen từng đụn bốc lên. Cát theo đường ống tuồn vào khoang thuyền. Ba “cát tặc” ngồi châm lửa hút thuốc, lâu lâu lại nhón người kiểm tra các ống hút và tát nước trong khoang thuyền. Hơn 3 giờ, việc hút cát chấm dứt. Chiếc thuyền bắt đầu xuôi dòng rất chậm chạp vì “bụng mang dạ chửa” hàng chục khối cát.

Cát lậu sau khi khai thác trên sông Thạch Hãn được đưa vào một bãi tập kết
Cát lậu sau khi khai thác trên sông Thạch Hãn được đưa vào một bãi tập kết

 

“Trưa nào cũng vậy, họ khai thác cát từ thượng nguồn Thạch Hãn rồi vận chuyển qua xã chúng tôi. Buổi trưa hầu như không thể chợp mắt vì tiếng ồn do thuyền chở cát gây ra” - một người dân ở xã Hải Lệ bức xúc.

Đêm 17-4, chúng tôi tiếp cận sông Thạch Hãn ở khu vực ngã ba Gia Độ (TP Đông Hà) và xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong). Trong lúc xóm làng yên giấc thì dưới sông, tiếng máy nổ hút cát rầm rập. Giữa lòng sông, hàng chục tàu, thuyền đua nhau hút cát hết công suất. Không có tàu thuyền nào sáng đèn, chỉ có ánh đèn pin “cảnh giới” được lia vội tứ phía rồi tắt ngúm vào đêm đen. Theo ghi nhận của chúng tôi, “cát tặc” hoạt động ở khu vực này từ khoảng 19 giờ cho đến sáng hôm sau. Khi khoang thuyền no cát, họ tủa ra tứ phía đến nơi tập kết.

Một người dân địa phương cho biết: “Trước đây, sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Độ và phường 5, TP Đông Hà, “cát tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm. Còn bây giờ do chính quyền địa phương làm “rát” nên họ lén lút khai thác vào ban đêm. Ở đây như đại công trường khai thác cát vậy, không ai ngủ được vì ồn ào. Không những thế, vì khai thác cát rầm rộ nên tình trạng sạt lở bờ sông đe dọa cuộc sống, sản xuất của người dân”.

Theo chân cát lậu

Để tìm hiểu đường đi của cát lậu, chúng tôi trở lại địa điểm khai thác cát ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Chúng tôi bám theo một chiếc thuyền chở đầy cát xuôi sông. Ì ạch khoảng 1 giờ, thuyền cát bất ngờ rẽ sang phía bên kia bờ sông Thạch Hãn. Chạy thêm 1 km, chiếc thuyền tấp vào một bãi tập kết cát ở phường An Đôn, thị xã Quảng Trị. Trên bãi lúc này gần chục phương tiện cơ giới chờ “ăn cát”. Cứ cách khoảng nửa giờ, xe này được đổ đầy cát rời bãi thì xe nọ chạy vào. Cũng chừng đó thời gian, thuyền cát mà chúng tôi bám theo rời bãi, những chiếc khác lại tấp vào. Tiếng máy xe, máy ghe vang rền không ngớt.

Cũng từ đoạn sông này, chúng tôi tiếp tục bám theo một chiếc thuyền no cát với 3 “cát tặc” mình trần, tướng mạo hầm hố. Thuyền chạy nặng nhọc qua cầu Thạch Hãn khoảng 2 km thì tấp nhanh vào khu vực đặt ống khai thác cát của một công ty chuyên bán vật liệu xây dựng tại xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong). Ba người đàn ông lấy ống hút đặt vào khoang thuyền của mình để bơm cát lên. Gần một giờ sau, toàn bộ số cát trong khoang được chuyển vào bãi của công ty này.

Cát lậu khai thác trên sông Thạch Hãn còn tỏa đi tứ hướng. Trong đó, phần đông tàu thuyền sau khi lấy cát ở khu vực Ngã ba Gia Độ được vận chuyển về TP Đông Hà và từ đây giao bán khắp nơi.

Hậu quả nghiêm trọng

Sông Thạch Hãn có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông, là huyết mạch giao thông đường thủy, đóng vai trò cung cấp nguồn nước cho các đồng bằng hạ lưu ở huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Đây cũng là con sông lịch sử, đã ôm ấp trong lòng bao chiến sĩ Quân Giải phóng can trường vượt sông đánh chiếm thành cổ Quảng Trị năm nào. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, nạn khai thác cát lậu tàn phá dữ dội con sông này, gây nhiều hệ lụy xấu cho môi trường, cuộc sống người dân. Theo một lãnh đạo UBND xã Hải Lệ, nạn khai thác cát trên sông Thạch Hãn đã gây ra nhiều hậu quả xấu. Chỉ riêng ở xã này, hơn 110 hộ dân ven sông đã phải di dời do khai thác cát gây sạt lở. Đó là chưa nói hàng chục hecta đất sản xuất nông nghiệp cùng cây trồng, mồ mả bị nước sông xâm thực, cuốn trôi.

Bài và ảnh: HÀ PHONG

934 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 610
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 610
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86310149