TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (Ảnh: M.P)

Đó là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ,  bên lề lễ công bố  năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020.

Phóng viên (PV): Năm nay là năm thứ 16 chỉ số PCI được công bố. Ông đánh giá như thế nào về những bước chuyển trong tư duy của doanh nghiệp, đến tiến trình cải cách ở các địa phương? 

TS. Vũ Tiến Lộc: Với 16 năm trên một hành trình không mệt mỏi, 150 ngàn lượt doanh nghiệp đã gửi gắm niềm tin và kiến nghị của mình vào các cuộc khảo sát của PCI. PCI tự hào đã trở thành tiếng nói có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Trong loạt các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nỗ lực cải thiện  chỉ số PCI. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của hầu hết các tỉnh, thành phố đã nêu yêu cầu cải thiện chỉ số PCI trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. PCI tự hào đóng góp vào tiến trình cải cách ở các địa phương ở Việt Nam.

PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Quan hệ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được khởi động; khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài – địa phương phát triển” được đề ra. Phương châm hành động: “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” được lan toả...Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp được đề cao để chung tay cải cách, thúc đẩy đối thoại, hợp tác công tư và giám sát việc thực thi chính sách của chính quyền các cấp.

Tôi cho rằng, quan trọng hơn, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở. Mô hình  “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sáng kiến khác như trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, “Bác sĩ doanh nghiệp”, các mô hình thúc đẩy đối tác công tư… cũng được PCI góp phần ươm tạo và lan toả…

PV: Cụ thể hơn báo cáo PCI 2020 ghi nhận những thay đổi như thế nào của doanh nghiệp và địa phương, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Báo cáo PCI 2020 ra đời trong một bối cảnh đặc biệt, COVID -19 hoành hành. Không chỉ có COVID -19, năm 2020 cũng để lại những “khoảng lặng” do thảm họa thiên tai dữ dội tại các tỉnh miền Trung đất nước. Chúng ta trân trọng những cố gắng của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã dũng cảm kiên cường trong cơn sóng gió, bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân. Và dù gặp muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng vẫn có gần 12,300 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI. Đó là điều chúng tôi rất xúc động, tri ân.

PCI 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm, và ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi mà khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại. Chúng ta hoan nghênh các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu những động lực và những thực tiễn cải cách tốt đã được lan toả.

Kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu –  một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước,  nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều.

Dù vậy, Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính trong những năm qua còn chưa như mong muốn. Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bức tranh cải cách đã có nhiều sắc mầu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng. Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng Chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần , v.v.

Niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch COVID đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% doanh nghiệp cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019. Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách – các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

PV: Quảng Ninh tiếp tục là quán quân của cải cách, điều này sẽ tạo ra bài học gì cho các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp?

TS. Vũ Tiến Lộc:  Năm nay, Quảng Ninh, một lần nữa, đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Xin chúc mừng các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.

Hành trình cải cách ở Quảng Ninh là hành trình dựa trên nền tảng vững chắc, từ tầm nhìn, chiến lược và mô hình cải cách. Trong đó, cải cách của chính quyền đóng góp lớn, như việc thành lập các trung tâm hành chính công, xúc tiến hỗ trợ đầu tư trực thuộc tỉnh, xây dựng bộ chỉ số DDCI, cà phê doanh nhân, dự án đối tác công tư… đã được triển khai hiệu quả. Do đó, nếu những kinh nghiệm và mô hình như này ở Quảng Ninh được lan tỏa thì góp phần cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành của các địa phương.

PV: Với những tác động từ đại dịch COVID-19, những cải cách hành chính của địa phương nên có những thay đổi như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Những nhân tố đóng góp vào sự phát triển thành công của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 là nền tảng từ nhiều năm trước, tạo nên dư địa cho chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua, nhất là nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ 2016 cho đến 2018 với việc xỏa bỏ hàng nghìn giấy phép con, cắt giảm điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử… đều là những yếu tố quan trọng của môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển trong bối cảnh bình thường, trụ vững trong bối cảnh COVID-19.

Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, những gói hỗ trợ có tính chất tức thời để ứng phó đã được Chính phủ đưa ra khá đồng bộ, bao trùm, hiệu quả. Nhưng quá trình thực thi vẫn còn nhiều điểm cần rút kinh nghiệm, nên hiệu quả chưa đạt tối đa như kỳ vọng. Nên trong bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, đến cơ sở thì việc tổ chức thực thi quy định của chính sách vẫn là điểm cần chú ý để nâng cao hơn nữa.

Chúng ta còn nhiều việc phải làm như hoàn thiện thể chế, loại bỏ chồng chéo, nhưng việc thực thi pháp luật sẽ là chìa khóa giúp triển khai chính sách thành công. Nên theo các kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới địa phương, doanh nghiệp kỳ vọng nhiệm kỳ Chính phủ mới sẽ tiếp tục là Chính phủ hành động, làm sao mọi việc được thực hiện nhất quán từ trên xuống dưới. Báo cáo PCI năm nay cũng thấy rõ thực tiễn, nếu ở địa phương nào có sự nhất quán giữa lãnh đạo cấp cao đến cán bộ cấp dưới, đến từng sở ban ngành thì môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

 
Minh Phương