Địa danh “Quảng Trị” đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử nổi bật gắn bó mật thiết với hành trình xây dựng và bảo vệ vùng đất Châu Ô, Châu Lý, Châu Thuận nói riêng và cuộc Nam tiến của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng để mở rộng dần cương giới nước Việt nói chung. Chính vì vậy, các hoạt động kết nối giao thương tại Quảng Trị và vùng phụ cận vốn hình thành từ rất sớm, đặc biệt tại khu vực Cửa Việt.
Ngày nay, Quảng Trị là tỉnh “đầu cầu” về phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) kết nối với Lào, Thái Lan, Myanmar và các nước trong khu vực Tiểu vùng Mekong (GMS) thông qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Thời gian tới, Quảng Trị có kế hoạch phát triển EWEC thứ 2 (Para-EWEC) kết nối Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào (Salavan, Champasak, Sekong...), Ubon Ratchathani (Thái Lan) và các tỉnh Tây Bắc Campuchia thông qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy.
Khu vực GMS nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng có vị trí địa lý đặc biệt, kết nối với các thị trường lớn và các nền kinh tế năng động của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN; là khu vực có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất - tiêu dùng và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng vai trò cầu nối giao thông, thương mại, đầu tư giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Quảng Trị đã có những bước tiến mạnh mẽ và tích cực, tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở nhóm dẫn đầu miền Trung và cả nước. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt 2.856 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.
Những năm gần đây, số lượng dự án đầu tư vào Quảng Trị tăng kỷ lục. Để tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển bền vững, Quảng Trị sẽ thực hiện chiến lược đầu tư cho hạ tầng như thế nào, thưa ông?
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt”, Quảng Trị tập trung nâng cao chất lượng, tầm vóc các đồ án quy hoạch để định hướng phát triển, bố trí lại lực lượng sản xuất và tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, như Đồ án Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch đô thị Đông Hà; điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị…
Các dự án chủ lực đã được Quảng Trị đặc biệt quan tâm, xúc tiến triển khai, như Dự án Cảng quốc tế Mỹ Thủy... Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án gồm 2 giai đoạn, tổng mức đầu tư dự kiến 5.822,9 tỷ đồng.
Cũng từ chiến lược giao thông đi trước một bước, ngoài hàng không và cảng biển, tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện Dự án Đường ven biển nhằm khai thác tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch và đô thị ven biển; Dự án Quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay…
Việc hình thành tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia nói chung và Quảng Trị nói riêng. Khi tuyến đường hoàn thành, sẽ tạo thêm trục hành lang song song với EWEC, kết nối đường cao tốc Bắc - Nam và 2 nhánh Đông - Tây đường Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường giao thương hàng hóa khu vực Bắc Trung bộ và ven biển miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Một khi đã hội tụ được tâm sức, trí tuệ, chủ trương, chính sách, ắt sẽ tạo ra mối liên kết bền vững trong kiến tạo và dựng xây.
|
Quảng Trị sở hữu nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trong ảnh: Làng điện gió phía Tây Quảng Trị |
Được biết, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chủ đề chiến lược năm 2022 của Quảng Trị. Ông có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ này và định hướng thu hút đầu tư, mục tiêu phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới?
Xác định chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương - Thích ứng an toàn - Thúc đẩy tăng trưởng” trong năm 2022 và với quan điểm coi hoạt động xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, để xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả, từng bước nâng cao vị thế của tỉnh, trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng.
Đó là xây dựng và ban hành các chính sách, cơ chế thích hợp để huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ trung ương, địa phương và xã hội hóa nhằm từng bước nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư; cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư...
Trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh tập trung kêu gọi các dự án có quy mô phù hợp với đặc thù địa phương, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Quảng Trị coi trọng đầu tư phát triển Khu kinh tế Đông Nam làm hạt nhân phát triển công nghiệp, trong đó tập trung hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án trọng điểm như Nhà máy Điện khí Quảng Trị 340 MW của Gazprom International, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 1.500 MW (giai đoạn I), Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Liên doanh VSIP - Amata - Sumitomo.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ bổ sung hệ thống ống dẫn khí mỏ Kèn Bầu về Quảng Trị vào Tổng sơ đồ điện VIII.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình đầu tư để đưa vào khai thác cảng biển Mỹ Thủy, cảng Cửa Việt, Cảng hàng không Quảng Trị, đường ven biển kết nối EWEC và các công trình giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia.
Trong đó, phải đầu tư cảng Mỹ Thủy đón được tàu trên 100.000 DWT. Đây là cảng nước sâu, có nhiều lợi thế và đã được nghiên cứu. Dự án này cũng đã được nhà đầu tư tái khởi động theo kỳ vọng của địa phương.
Cả hiện tại và về lâu dài, với sự vào cuộc mạnh mẽ cùng với sự đổi mới trong công tác quy hoạch và hành động, tỉnh Quảng Trị xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch, trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị sẽ trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 sẽ bước vào nhóm tỉnh khá của Việt Nam.