Ổn định xã hội, yếu tố quyết định để vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Nếu chỉ trú trọng đến phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ yếu tố hài hòa giữa các bên, nhất là đối với những người dân yếu thế khi triển khai dự án và quá trình triển khai không bảo đảm đúng quy định cũng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía nam, diễn ra tại Đồng Nai sáng nay (6/5).

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, vùng KTTĐ phía nam (gồm TPHCM và các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là vùng có sự hội nhập, hợp tác kinh tế tích cực, hiệu quả với khu vực Đông Nam Á và thế giới. 

Đến nay, vùng KTTĐ phía nam đã và đang khẳng định được vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế với tổng GRDP của vùng đến năm 2018 đạt khoảng 2.517 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy khu vực này đã xuất hiện một số điểm nghẽn về phát triển (tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của vùng, kết nối giao thông kém, các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu triển khai còn chậm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công các địa phương trong vùng chưa cao...) rất cần được các địa phương, các bộ, ngành nghiên cứu để có các giải pháp trong thời gian tới.

Để thành công trong phát triển kinh tế, theo Phó Thủ tướng, vùng KTTĐ phía nam cần nhanh chóng xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, của toàn vùng, kết nối với các khu vực như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... nhằm tạo sức mạnh tổng hợp cho toàn vùng và lan tỏa.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần gắn với 3 đột phá (cải cách thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực) và vùng KTTĐ phía nam vẫn cần xác định lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm then chốt, kết hợp với dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Kết nối cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo sức mạnh tổng hợp, nhất là về giao thông vận tải.

Đặc biệt, các địa phương trong vùng, nhất là đầu tàu TPHCM, đều là những nơi có truyền thống, luôn đi đầu trong phát triển công nghiệp, khoa học công nghệ và nhất là trong đổi mới sáng tạo. Do đó, trong bối cảnh cả thế giới đang chuyển sang thời kỳ công nghiệp lần thứ 4, các địa phương cần coi đổi mới sáng tạo là một yếu tố mới, có thể tận dụng, coi đó là một giải pháp để cải cách, đổi mới phát triển, bứt phá.

Cùng với đó, cũng cần coi trọng những yếu tố khác như vai trò của người đứng đầu; cải cách thể chế, làm sao những ý tưởng tiến bộ, đổi mới phải chuyển được thành kế hoạch thực hiện, các quyết định phải được hiện thực hóa...

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về không gian phát triển, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ chú trọng phát triển về kinh tế, các địa phương cần phải thực sự quan tâm đến yếu tố văn hóa, phát triển con người. Phải bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, quốc phòng...

Ngoài ra, vùng KTTĐ phía nam với dân số chiếm 21%, diện tích tự nhiên chiếm 9,2% cả nước nhưng là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hàng năm đóng góp trên 40% tổng thu ngân sách Nhà nước và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nói trên, các địa phương trong vùng cũng là nơi đã và đang triển khai nhiều dự án, trong đó có những dự  án trọng điểm quốc gia về kinh tế, hay những khu đô thị lớn. Vì vậy, nếu chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ yếu tố hài hòa giữa các bên, nhất là đối với những người dân yếu thế khi triển khai dự án, quá trình triển khai không bảo đảm đúng quy định cũng sẽ cản trở sự phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế là mối quan hệ biện chứng. Do vậy, để phục vụ cho phát triển kinh tế vùng KTTĐ phía Nam, vấn đề an sinh xã hội, vấn đề công bằng, khoảng cách giàu nghèo phân hóa đến mức trở thành mâu thuẫn xã hội phải được kiểm soát, dứt khoát không để người dân bị thiệt thòi, bị đẩy ra ngoài rìa xã hội.

Cùng với đó, các địa phương cần tích cực giải quyết những tranh chấp kéo dài, bảo đảm ổn định, giữ đất nước bình yên, chỉ như vậy mới có được sự phát triển bền vững, không những cho vùng KTTĐ phía Nam mà còn có ý nghĩa cho sự phát triển chung của cả nước.

Mạnh Hùng

371 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 471
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 471
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88302202