Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp” (Ảnh: K.D)

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó trưởng phòng Cục An ninh kinh tế cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển mạnh với hơn 700 ngàn doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để có được sự phát triển như vậy, đã có sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Trong đó, tồn tại một dạng cạnh tranh mà pháp luật phải điều chỉnh, đó là các hành vi cạnh tranh tranh không lành mạnh. Cạnh tranh không lành mạnh diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế từ hoạt động ngân hàng, tài chính đến sản xuất, thương mại, dịch vụ…

Nguyên nhân dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, theo ông Nguyễn Hồng Hải là do hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, nhất là hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đây là kẽ hở để các doanh nghiệp trong nước lợi dụng để có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm giành giật thị trường, loại bỏ đối thủ, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để chèn ép, loại bỏ các đối thủ là các doanh nghiệp Việt Nam.

Cùng với đó là ý thức tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp chưa cao, kinh doanh quá mạo hiểm trong khi mức xử phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn quá thấp. Các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng và triệt để; công tác quản lý việc thực thi pháp luật cạnh tranh còn yếu kém.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, theo ông Nguyễn Hồng Hải, pháp luật cạnh tranh cần được nhấn mạnh như một công cụ quan trọng hàng đầu. Pháp luật cạnh tranh có nhiệm vụ ngăn ngừa, vừa xử lý những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, trái đạo đức và tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp, đảm bảo nền kinh tế thị trường vận hành trôi chảy.

Bàn về giải pháp cạnh tranh lành mạnh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng khẳng định, để có sự chuẩn bị tốt nhất trong cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón đường các thuận lợi, thách thức đem lại.

Đầu tiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, doanh nghiệp phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, cụ thể nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển kinh doanh, thị trường và thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực, hết sức chú trọng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nhất là kiến thức về kinh doanh số và ngoại ngữ; tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ trong bối cảnh kinh tế số, kinh doanh số.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết, đảm bảo hưởng tối đa các ưu đãi như: tiêu chí về xuất xứ hàng hóa và nguồn nguyên liệu… Từ đó, doanh nghiệp chủ động đầu tư theo chiều sâu và liên kết nhằm nâng cao hiệu quả cho mỗi khâu; chủ động nắm bắt thông tin và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược hoạt động phù hợp trong cạnh tranh – chuyên gia Cấn Văn Lực khẳng định./.

Kim Dung