Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Cụ thể, mặc dù Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tích cực sau cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6, nhưng cuộc chiến thương mại giữa hai nước kéo dài đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhân tố địa chính trị đã tạo sức ép khác nhau lên giá dầu như OPEC và các nước đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu tới tháng 3/2020; căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Anh và Iran; lo ngại gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông…

Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong thời gian tới, các vấn đề về chính trị và thương mại giữa cá nước lớn vẫn đang diễn biến theo chiều hướng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu. Giá xăng dầu tăng, lương cơ bản tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào nhiều mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao và phối hợp chặt chẽ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cùng nguồn cung được đảm bảo tốt sẽ giúp bình ổn thị trường các tháng tiếp theo.

Cùng với việc nỗ lực bình ổn cung cầu thị trường, Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, để xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi, đảm bảo lợi ích của người nông dân trước việc Trung Quốc áp dụng nhiều rào cản đối với gạo Việt Nam từ đầu năm 2018, đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm thị trường mới, quan hệ chặt chẽ về thương mại với các nước nhập khẩu gạo truyền thống như Philippines, Indonesia… Bên cạnh đó, củng cố và phát triển bạn hàng có nhu cầu nhập khẩu các loại gạo chất lượng cao, gạo nếp, gạo tấm, gạo đồ để ổn định thị trường xuất khẩu.

Về phía các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị cần sớm ban hành quy định với hệ thống phân phối vì hiện nay đang nảy sinh quá nhiều hình thức phân phối mới như cửa hàng tự động. Đồng thời, trên địa bàn Hà Nội, doanh thu đang giảm sút ở khu vực chợ truyền thống vì nhiều chợ đang rơi vào tình trạng xuống cấp nhưng có tiền cũng không sửa được vì vướng cơ chế, gây ra những nguy cơ về cháy nổ, mất an toàn thực phẩm… Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh quản lý thị trường trong lĩnh vực xăng dầu vì hiện nay đang phát sinh nhiều hình thức như cửa hàng bán lẻ xăng dầu mini, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nếu không được kiểm soát.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu; phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.

Đối với dịch tả lợn châu Phi, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 62 tỉnh thành phố, số lượng lợn tiêu hủy lên đến 3,7 triệu con. Hiện nguồn cung tổng đàn giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái và số lượng này không đáp ứng đủ nhu cầu từ nay đến cuối năm.

Để giảm thiểu khó khăn do thiếu nguồn cung thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến khích các hộ nông dân chuyển sang chăn nuôi các nguồn thịt khác như bò và gia cầm để bổ sung nguồn cung lương thực. Bên cạnh việc tổ chức tái đàn ở những vùng đã hết dịch, nguồn cung từ nhập khẩu sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt thịt lợn từ nay đến cuối năm./.

K.D