Olympic Tokyo 2020 đã bước vào những ngày thi đấu cuối, và một lần nữa, cuộc đua tranh trên bảng tổng sắp huy chương chỉ còn là câu chuyện riêng giữa hai đoàn thể thao Trung Quốc và Mỹ.
Kể từ đầu thiên niên kỷ tới nay, thế giới đã quá quen thuộc với việc Mỹ và Trung Quốc thay nhau thống trị bảng tổng sắp huy chương ở các kỳ Thế vận hội.
Cụ thể, kể từ sau Olympic Sydney 2000 đến giờ, chỉ có Olympic Rio 2016 là chứng kiến một đoàn thể thao khác chen chân vào tốp 2. Đó là đoàn Vương quốc Anh, với 27 huy chương Vàng, hơn Trung Quốc đúng 1 huy chương Vàng.
5 năm sau “thất bại” ở Rio, đoàn thể thao Trung Quốc dường như đang khát khao khẳng định lại vị thế của mình và việc họ đang đứng đầu bảng tổng sắp huy chương (hiện tại là 38 huy chương Vàng) khi mà Olympic sắp bế mạc là một minh chứng.
Đứng thứ 2, không ngạc nhiên là đoàn thể thao Mỹ (33). Trong khi đó, dù có lợi thế sân nhà, đoàn Nhật Bản cũng khó lòng "ngoi" được vào tốp 2 khi mới đang có 24 huy chương Vàng.
Kỳ thực, vị trí thứ 3 cũng được xem như thành công của đoàn Nhật Bản, khi chỉ xếp thứ 6 ở Rio 2016, và không lọt nổi vào tốp 10 ở London 2012.
Tại kỳ Olympic lần này, Mỹ vẫn dẫn đầu về số vận động viên tham dự với 613 người. Trong khi đó, với “chỉ” 406 người tham dự 30/33 môn thể thao - đứng thứ 6 về số lượng - Trung Quốc đã cho thấy chất lượng vận động viên của họ tốt thế nào.
[Bảng tổng sắp huy chương Olympic 5/8: Mỹ chỉ còn kém Trung Quốc 5 HCV]
Nhưng liệu sự vượt trội của Mỹ và Trung Quốc so với “phần còn lại” có khiến Thế vận hội năm nay trở nên nhàm chán, mất đi sức cạnh tranh? Câu trả lời là không. Sự hấp dẫn của ngày hội thể thao thế giới vẫn tồn tại ở Tokyo, với những tấm huy chương vàng quý như "vàng mười."
Chúng ta có thể thấy được điều đó qua những giọt nước mắt đầy hạnh phúc của tay vợt Đan Mạch Viktor Axelsen khi anh đánh bại Chen Long ở trận chung kết cầu lông đơn nam, chấm dứt sự thống trị của Trung Quốc ở nội dung này.
Tương tự là bộ đôi Jun Mizutani/Mima Ito khi họ đánh bại Xu Xin/Liu Shiwen ở chung kết bóng bàn đôi nam nữ. Ở môn điền kinh, nhà vô địch cự li “vua” là một người Ý (Marcell Jacob), chứ không phải những cường quốc như Mỹ hay Jamaica.
Và đừng quên những tấm huy chương Vàng hiếm hoi nhưng cực kỳ quý giá khác. Chiến tích của Flora Duffy (Bermuda) ở nội dung 3 môn phối hợp nữ chẳng hạn. Quốc gia có vỏn vẹn 65.000 dân này chỉ cử 2 vận động viên dự Olympic, ít nhất Thế vận hội kỳ này, nhưng đã sở hữu 1 huy chương Vàng.
Vận động viên đồng hương duy nhất của Duffy ở Tokyo là Dara Alizadeh cũng vào đến vòng đua chung kết môn rowing đơn - một thành tích khá ấn tượng. Những tấm huy chương Vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử của Tunisia (Hafnaoui) hay Philippines (Hidilyn Diaz) cũng rất đặc biệt.
Và kể cả khi màu của tấm huy chương không phải màu vàng như Guryeva (huy chương Bạc cử tạ nữ 59kg) thì nó cũng rất ý nghĩa vì là lần đầu tiên với thể thao Turkmenistan.
Các vận động viên Philippines chắc hẳn đang tận hưởng cảm giác giống chúng ta 5 năm trước khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic./.
Tuấn Cương (TTXVN/Vietnam+)