Đến dự có đại diện lãnh đạo các huyện ủy, UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể các huyện, thành phố, thị xã và đại diện lãnh đạo 141 xã phường, thị trấn.
Đồng chí Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018- 2020 với mục tiêu phát triển các tổ chức kinh doanh, nòng cốt là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn chặt với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các làng nghề, sản xuất các sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị. Đây chính là động lực mới cho phát triển kinh tế nông thôn, là chương trình trọng tâm góp phần rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17-10-2018, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4565/KH-UBND về triển khai “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020”.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị có nhiều sản phẩm có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như gạo chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cao dược liệu, tinh dầu thiên nhiên, tinh bột nghệ, dưa hấu Vĩnh Tú, rau xà lách Gio An, ném, cá hấp, nước mắm, tôm, các sản phẩm từ chăn nuôi; ngoài ra còn có các sản phẩm du lịch cộng đồng…
Rau xà lách trồng trên đá là sản phẩm của xã Gio An, huyện Gio Linh.
Theo số liệu điều tra, khảo sát, toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc sáu nhóm; trong đó nhóm Thực phẩm có 21 sản phẩm, nhóm Đồ uống có ba sản phẩm; nhóm Thảo dược có sáu sản phẩm; nhóm Vải và may mặc có một sản phẩm; nhóm Lưu niệm - nội thất - trang trí có ba sản phẩm; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn có một sản phẩm. Ngoài ra, Quảng Trị hiện có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia chương trình OCOP.
Tuy nhiên, sản phẩm nông sản của tỉnh Quảng Trị hiện phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý hạn chế, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu, chưa được xây dựng và đăng ký theo quy chuẩn như: Vietgap, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm... nên phần nào bị hạn chế trong các giao dịch với doanh nghiệp để kết nối thị trường tiêu thụ, thiếu định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, khó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa khoảng 40 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; phát triển mới khoảng 15 sản phẩm; một đến hai làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP. Có ít nhất ba sản phẩm đạt năm sao cấp tỉnh; một sản phẩm đạt năm sao cấp quốc gia. Hằng năm, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất hai ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình OCOP. Củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp…
Để làm được công việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Trị đã đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh và tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban Điều hành Chương trình OCOP cấp tỉnh. Ở cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Ban điều hành hoặc giao cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện là cơ quan chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP.
Theo đồng chí Võ Văn Hưng, Chương trình OCOP là nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến 2030. Kết quả của Chương trình phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến tận cơ sở. Vì vậy, tập trung vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.