Dân kêu khổ
Những ngày nắng nóng đổ lửa, về thôn Thâm Khê (xã Hải Khê), đoạn giáp với xã Điền Hương, dễ dàng nhận thấy môi trường ở đây đang có những tác động tiêu cực từ hoạt động nuôi tôm. Các khe nước chạy dọc những trảng cát và rừng sủi bọt, mọc đầy rêu tảo, bốc mùi.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có những ống cống rất lớn, gần như chạy song song với các khe nước tự nhiên và dẫn thẳng nước thải tống ra biển. Dọc cống, rất nhiều vị trí hư hỏng hoặc ghép nối bị hở, làm nước thải chảy tràn ra ngoài có màu đục, cáu bẩn.
Ông Lê Bình (67 tuổi, một người dân thôn Thâm Khê), cho biết vài năm trở lại đây, môi trường nơi này bị ô nhiễm do nước thải từ cơ sở nuôi tôm của các hộ dân quanh vùng và từ trại tôm quy mô lớn ở phía Thừa Thiên-Huế. “Khi phía xã Điền Hương cho xây dựng một khu nuôi tôm công nghiệp, rộng hàng chục héc ta thì lượng nước thải, chất thải đổ về càng lớn khủng khiếp”, ông Bình nói.
Còn ông Nguyễn Bình (61 tuổi, trú cùng thôn) cho biết đã nhiều năm sử dụng giếng khoan sâu 20 m mà không gặp trục trặc gì, nhưng cách đây 3 năm, nguồn nước tại giếng này không thể sử dụng vì nhiễm mặn, buộc phải tốn tiền khoan giếng khác sâu hơn. “Mà giếng mới khoan cũng bắt đầu nghe lơ lớ mặn rồi. Nhiều hộ khác trong khu vực cũng chịu cảnh này”, ông Nguyễn Bình nói.
Cán bộ Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường Quảng Trị lấy mẫu nước để xét nghiệm
|
Không dễ giải quyết
Đầu tháng 5, khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, người dân thôn Thâm Khê bức xúc trình bày vụ việc. Ngay sau khi nhận được phản ánh, Phòng TN-MT H.Hải Lăng vào cuộc xác minh, tìm hiểu nguyên nhân ô nhiễm và hướng xử lý. Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, ông Phạm Ngọc Minh, cũng đã đến hiện trường ghi nhận sự việc.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Gia Truyền, Chủ tịch UBND xã Điền Hương, xác nhận ngoài các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, cách đây hơn 5 năm, Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN (gọi tắt Công ty CP) đã mở trại tôm quy mô lớn (hơn 110 ha) tại địa bàn.
Tuy nhiên, ông Truyền cho biết ống xả thải ra biển của Công ty CP nằm bên phía xã Điền Hương, và ông chưa nghe người dân địa phương phàn nàn về ô nhiễm.
Trong khi đó, hôm 13.5, cán bộ Trung tâm quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị) đến hiện trường lấy mẫu nước tại ống cống xả chất thải ra biển của Công ty CP và nước giếng của hộ dân bị nhiễm mặn để xét nghiệm. Theo ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng phòng
TN-MT H.Hải Lăng, kết quả xét nghiệm sẽ là cơ sở để UBND huyện báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị để làm việc với phía tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông Đức nói: “Thẩm quyền xử lý vụ việc không nằm ở cấp xã, huyện mà phải là cấp tỉnh. Cần có sự vào cuộc của cả lãnh đạo và ngành chức năng của cả hai tỉnh thì may ra sự việc mới được giải quyết rốt ráo, bởi vị trí xảy ra ô nhiễm là điểm giáp ranh khá nhạy cảm, đất đai chồng lấn, chưa rõ ràng”.