Ở nhà cấp bốn, tặng đồng đội đất trị giá tiền tỷ 

(Biên phòng) - Cựu chiến binh Hồ Văn Linh, ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có khuôn mặt phúc hậu. Ông luôn nói về sự chia sẻ với cộng đồng giống như triết lý của nhà Phật: “Cho đi cũng chính là nhận lại”. Ông sống trong ngôi nhà cấp bốn, nhưng lại cắt 2.000m2 đất cho 4 hộ dân là người Việt Nam từ Lào hồi hương về quê xin nhập quốc tịch. Ông thường nói về việc học tập theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ, với tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ”.

fcg7_19b

Khu vực đất ông Linh tặng cho đồng đội. Ảnh: Lê Văn Chương

Sống như lời Bác dặn 

Trong cuộc sống hiện nay, câu chuyện ở nhà cấp bốn nhưng hiến đất tặng bạn, nghe qua tưởng như chuyện hoang đường vậy. Và người có nghĩa cử hào hiệp đó là cựu chiến binh Hồ Văn Linh. Ông có nét mặt phúc hậu, nụ cười hào sảng, lời nói của ông toát lên tính cách của một người sống nặng tình, không quá coi trọng vật chất. Ấn tượng nhất của tôi lúc mới gặp ông là ông mang ra 2 chiếc đĩa chạm khắc hình ảnh vợ chồng mặc quân phục bộ đội và bắt đầu kể về những năm tháng chiến tranh. Ông cười to rồi nói: “Chiến tranh ác liệt là vậy, nhưng đạn nó né mình, mình sống được tới hôm nay là điều may mắn”. 

“Ơ, người con gái Pa Cô, con cháu Bác Hồ...”, tôi đọc lời bài hát để gợi lại ký ức cũ khi nói chuyện với người vợ của ông là bà Chánh Phôi. Bà Phôi cũng có dáng người chắc nịch như ông Linh. Bà kể lại chuyện thời còn thiếu nữ và tham gia kháng chiến. Vì là người dân tộc, nên bà Phôi nói tiếng Việt không được nhiều, trong câu chuyện của bà kể có phần đứt quãng. Bà nói với tôi: “Trong cuộc sống, những chuyện quan trọng ông đều tự quyết hết. Kể cả việc cho đất bạn bè xong rồi, ông mới về nói với vợ và mong tôi thông cảm. Cả đời chồng tôi luôn sống vì đồng đội, những người đã cùng ông lăn lộn trong nhiều trận đánh ác liệt”. 

Xã A Dơi là địa phương nằm giáp với xã A Cha, huyện Tù Muội, tỉnh Salavan, Lào. Địa phương này có 2 dân tộc sinh sống là Pa Cô và Vân Kiều. Trong chiến tranh, nơi đây có nhiều tuyến đường bí mật để vận chuyển lương thực, súng đạn từ ngoài Bắc vào chiến trường miền Nam. Ông Linh kể, khi mới 16 tuổi, ông đã nhìn thấy các chú bộ đội giải phóng quân đi qua làng. Khi lớn lên, ông tham gia bộ đội, cõng gạo, gùi súng đạn, đánh trận. Lúc hành quân, khi tạm dừng trên triền núi để triển khai đội hình, ông Linh đều nghe anh em đơn vị kể chuyện về Bác Hồ. Chàng trai người Pa Cô lúc đó luôn ước mơ một lần được gặp Bác. 

Ông Linh kể rằng, người lính thời chiến có 2 phẩm chất là “tinh thần chiến đấu gan dạ và không sợ hy sinh; hết lòng vì đồng chí, đồng đội”. Sau ngày đất nước giải phóng, ông Linh trở về quê hương, khai phá và mở mang đất đai để trồng trọt. Đất nước đã sạch bóng thù, ông vẫn lưu giữ nguyên đức tính sống vì đồng đội. Cứ nghe tin có người đồng chí, đồng đội nào khó khăn là ông sẵn lòng ra tay giúp đỡ, trong khi chính gia cảnh của mình còn nghèo khó. Ông  Linh quả quyết: “Nhớ đến Bác thì phải làm theo lời Bác dặn, bạn không có đất làm nhà thì mình phải cho”.

Đứng trước ống kính của phóng viên Báo Biên phòng, ông Hồ Văn Linh đã nắm tay người đồng đội là cựu chiến binh Hồ Văn Chơn và nói: “Có phóng viên Biên phòng làm chứng và ghi hình, mảnh đất tôi đã tặng bạn thì hứa là không bao giờ đòi lại”. Ông Linh chia sẻ, ông phải khẳng định chắc chắn như vậy, bởi lẽ, nhiều đồng đội của ông còn ngỡ ngàng không tin vào sự thật khi được tặng một mảnh đất để làm nhà, trồng trọt, chăn nuôi để sống những ngày cuối đời.

Sống là cho đi

Từ năm 2013 đến nay, tại địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị có 855 người được cấp quốc tịch Việt Nam. Số người dân này du canh, du cư sang sống bên đất Lào, hoặc trong thời chiến tranh tham gia kháng chiến, sau đó, làm nhà ở lại phía bên kia biên giới. Những hộ dân này khi trở về Việt Nam được cấp thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc giúp bà con có đất ở và đất sản xuất rất khó khăn, vì quĩ đất của địa phương ít và đã chia cho các hộ dân canh tác ổn định. Ông Linh là người đi tiên phong trong việc cắt đất của gia đình tặng cho những người dân này.

Ông Hồ Văn Linh năm nay 69 tuổi, ở địa phương, người dân hay gọi ông bằng cái tên dân tộc là Pa Hương. Việc ông hiến đất cho đồng đội được ông giảng giải là “sống thì phải cho đi”. Anh Hồ Văn Hương, một người hàng xóm của ông Hồ Văn Linh cho biết, thời trước, cha của anh đi bộ đội rồi định cư bên đất Lào. Năm 2003, hai cha con quay về Việt Nam và xin nhập quốc tịch. May mắn là có ông Linh đã ra tay cưu mang, tặng đất để gia đình anh có nơi an cư tới bây giờ. Anh Hương khẳng định: “Tới đời con, đời cháu, tôi vẫn sẽ kể lại câu chuyện về người hàng xóm tốt bụng Hồ Văn Linh”.

Mảnh đất mà ông Linh tặng cho cha con của anh Hương định cư có chiều dài khoảng 20m, chiều sâu khoảng 12m. Đây là thửa đất nằm sát trục đường. Ở xã A Dơi thì đây là địa điểm đẹp, vị trí thửa đất nằm ở vùng có giá trị. Trong nhiều năm qua, ông Linh đã 4 lần tặng 2.000m2 đất cho 4 hộ gia đình. Những người được ông cho đất giờ đều trở thành hàng xóm tốt bụng, ngày nào ông đi qua cũng thấy họ gật đầu: “Xin chào Pa Hương”. Ánh mắt ông Linh sáng lên khi nghe những người hàng xóm đó nói rằng, sau này con cháu của họ cũng sẽ luôn nhắc đến cái tên “Pa Hương tốt bụng”. 

Ông Linh cho biết, ông từng tham gia bộ đội năm 1968 và cùng đơn vị đánh nhiều trận lớn ở Khe Sanh cách đây 40km. Ông trầm ngâm nhìn ra cánh rừng và hồi tưởng lại, thời chiến tranh, bom rơi, đạn nổ nhưng ông vẫn may mắn sống sót đến ngày hôm nay, được Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen với 8 chữ “Trọn nghĩa nước non/Thắm tình đồng đội”, vậy thì cứ phải sống cho trọn vẹn, nếu không thì cảm giác như thất hứa với điều mình đã tâm nguyện. 

Noi gương cha

Ông Hồ Văn Chơn, một người đồng đội cũ của ông Linh ra vườn cây ăn trái của mình với niềm vui khôn tả. Ngôi nhà của ông làm trên diện tích đất có chiều ngang lên đến 20m. Ông Chơn cho biết, ông Linh nghĩ tình bạn bè, tình đồng đội, không chỉ tặng ông đất làm nhà, mà còn tặng đất để làm vườn giúp ông kiếm sống qua ngày. Ông Chơn chỉ về phía cuối con đường, nơi có ngôi nhà của người con trai ông Linh đang sinh sống, ngôi nhà này làm trên diện tích đất nhỏ hơn đất mà ông Linh đã tặng bạn. 

xevy_19a

Ông Hồ Văn Linh và vợ đều là cựu chiến binh. Ảnh: Lê Văn Chương

Còn anh Hồ Văn Nuôi, người con trai của ông Linh chuẩn bị rời nhà trên chiếc xe máy chở đầy hàng hóa. Anh cho biết, thường ngày, anh đi sang Lào, vào các bản, khoảng 3 ngày thì mới quay về. Mỗi ngày đi bán hàng dạo bên Lào, thu nhập của anh khoảng 100 ngàn đồng. Có những hộ chưa có đủ tiền thì bán trước rồi thu tiền nhiều lần.

Nói về chuyện cha của mình tặng đất cho nhiều bà con hàng xóm là những người từ Lào quay trở về Việt Nam xin nhập quốc tịch, anh Nuôi nở nụ cười tươi và trên khuôn mặt anh không hề trầm tư. Ngược lại, anh luôn tự hào vì người cha của mình đã sống và làm việc tốt, dù ông đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách của người lính Cụ Hồ.

Lê Văn Chương

552 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 948
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 948
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87136294