Ở đảo Cồn Cỏ, nhớ về những lễ “truy điệu sống” 

(Dân Việt) Xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên những người thực hiện nhiệm vụ tiếp lương tải đạn ra đảo Cồn Cỏ đều được làm lễ “truy điệu sống” mỗi khi lên đường. Câu chuyện về tinh thần gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc đã làm lay động biết bao người.

“Truy điệu sống”

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà nhỏ của nữ cựu chiến binh Võ Thị Lý, nay đã 74 tuổi, trú An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Rót ly chè xanh mời khách, bà Lý vuốt mái tóc bạc trắng in dấu vết thời gian, chầm chậm kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng oanh liệt, khi bà cũng những người đồng đội làm nhiệm vụ tải đạn cho bộ đội đánh giặc trên đảo Cồn Cỏ.

Nằm lệch về phía Bắc vĩ tuyến 17 cách sông Bến Hải khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt biển 63,4m, rộng trên 2km2, đảo Cồn Cỏ có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát… Sau Hiệp định Geneva, Cồn Cỏ trở thành vị trí chiến lược, là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên trở thành mục tiêu giặc Mỹ đánh phá dữ dội. Việc tiếp tế cho bộ đội chiến đấu bảo vệ đảo vì vậy mang tính quyết định.

 o dao con co, nho ve nhung le “truy dieu song” hinh anh 1

   Ông Hồ Văn Triêm, người từng cùng đồng đội đưa món quà đặc biệt của Bác Hồ ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Ngọc Vũ

Bà Lý nhớ lại: Tháng 3.1965, 13 chiếc thuyền buồm chở lương thực, vũ khí ra Cồn Cỏ đã không thể trở về vì bị tàu địch phát hiện, và đánh chìm. Ngay sau đó, một cuộc họp toàn xã được tổ chức với mục đích tìm ra những người dám chấp nhận hy sinh để thực hiện việc tiếp lương cho bộ đội.

Bà Lý cùng chị gái mình là bà Võ Thị Khiêm - khi ấy vừa tròn 25 tuổi, đã xung phong ra đảo. Thấy cánh tay nhỏ nhắn, gầy guộc mong manh của hai cô gái trẻ giương cao, mọi người vỗ tay rào rào. Rồi cứ thế như là phản xạ tự nhiên, hàng trăm cánh tay khác của người dân làng biển đồng loạt giơ cao. Họ biết, họ đang tình nguyện chấp nhận đương đầu với hy sinh, vì mục tiêu thống nhất đất nước.

 o dao con co, nho ve nhung le “truy dieu song” hinh anh 2

   Đảo Cồn Cỏ ngày nay được xây dựng vừa phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng vừa phát triển kinh tế. Ảnh: Ngọc Vũ

Sau ít ngày huấn luyện, hai chị em bà cùng với 16 nam thanh niên được tổ chức lễ “truy điệu sống”, trước khi lên 3 thuyền chèo chở đầy vũ khí, lương thực tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi đó thành công và chị em bà Lý trở thành những người phụ nữ đầu tiên có mặt ở đảo Cồn Cỏ thời bấy giờ. Sở dĩ có lễ “truy điệu sống” như vậy là vì trước khi đi, ai cũng biết sẽ phải đối mặt với mũi súng của giặc bất cứ lúc nào và sẽ khó tránh được cái chết. Chị em bà Lý và hàng trăm người khác đã được “chết” nhiều lần như thế!

Thời kỳ ác liệt ấy có những gia đình dành toàn bộ “quân số” để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Như gia đình cụ Nguyễn 

Từ 1965-1969, cán bộ, chiến sĩ và những ngư dân 4 xã miền biển Vĩnh Linh (Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang) hơn 300 lần giáp mặt và chiến đấu với tàu chiến Mỹ. 206 người đã bị thương, 86 người bị bắt giam, tù đày; hàng trăm thuyền bị bắn chìm, mất tích, hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm đã chìm xuống lòng biển. Hơn 200 người con Vĩnh Linh đã anh dũng hy sinh.

Văn Trí (thôn Thái Lai, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh). Cụ Trí góa vợ từ năm 30 tuổi, để lại hai con Nguyễn Văn Trái và Nguyễn Thị Lý. Năm 1965, cả ba cha con cụ Trí cùng viết đơn tình nguyện xin đi tiếp tế Cồn Cỏ... 

Món quà đặc biệt của Bác Hồ

Ghé thăm thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), chúng tôi gặp người lính già 81 tuổi Hồ Văn Triêm. Ông kể, những ngày Cồn Cỏ nằm trong tầm pháo quân giặc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến những chiến sĩ giữ đảo. Trong số những món quà Bác gửi tặng Cồn Cỏ, có một món quà vô giá, đó là chiếc radio hiệu Sony. Chiếc đài này là món quà do Đảng Cộng sản Nhật Bản tặng Bác, Bác đã dành tặng lại cho chiến sĩ Cồn Cỏ.

Bác bảo, đây là tiếng nói, là lời động viên, khích lệ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để chiến sĩ đảo tiền tiêu giữ vững tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

 o dao con co, nho ve nhung le “truy dieu song” hinh anh 3

   Hai chị em bà Võ Thị Lý (trái) và Võ Thị Khiêm ôn lại chuyện xưa những ngày xung phong tiếp lương, tải đạn ra đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Triêm nhớ lại, sáng 29.6.1965, ông được giao làm thuyền trưởng cùng 5 đồng chí khác (trong đó có bà Lý và bà Khiêm) thực hiện một nhiệm vụ tối quan trọng là vận chuyển vũ khí và món quà đặc biệt của Bác Hồ trao tận tay cho Trung tá Nguyễn Hữu Tứ - Đại đội trưởng pháo binh đảo Cồn Cỏ.

Trời vừa chập tối, cả đội nhắm hướng Cồn Cỏ chèo như tên. Nhưng khi ra khỏi bờ chưa xa, máy bay địch phát 

“Một vị trong phái đoàn M.I.A (VP tìm kiếm người đã hỏi tôi: Các ông tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ bằng loại tàu nào?”. Tôi trả lời: “Hạm đội tiếp tế cho Cồn Cỏ chính là máu của nhân dân Vĩnh Linh”. Nghe vậy, những người Mỹ chỉ nhìn tôi và lặng im” - Đại tá Trần Văn Thà - nguyên Đảo trưởng Cồn Cỏ 1965-1968 kể.

hiện bắn tới tấp nên ta buộc phải rút lui. Vài tiếng sau, cả đội thuyền lại lao ra biển trước sự truy cản của kẻ thù. Khi cách đảo vài km, địch bắn pháo sáng, ném bom dữ dội nhưng rất may các chiến sĩ Cồn Cỏ yểm trợ kịp thời nên đội thuyền thoát chết. Rưng rưng nước mắt, Trung tá Nguyễn Hữu Tứ cùng chiến sĩ Cồn Cỏ nhận món quà quý của Bác Hồ.

Xúc động trước sự hy sinh của người dân Vĩnh Linh, sự quan tâm của Bác Hồ, các chiến sĩ Cồn Cỏ đã gan dạ kiên cường giữ đảo. Trong 1.400 ngày đêm đánh Mỹ, các chiến sĩ Cồn Cỏ đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 48 chiếc máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của Mỹ… Toàn đảo đã được Bác Hồ gửi tặng ảnh chân dung và hai câu thơ: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Hướng đôi mắt xa xăm về phía đảo Cồn Cỏ, ông Hồ Văn Triêm tâm sự, giữa lòng biển khơi kia, linh hồn, thân xác đồng đội vẫn nằm đó.

Không phụ những hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong thời chiến, thế hệ ngày nay đang từng ngày cố gắng xây dựng đảo Cồn Cỏ giàu mạnh, nhân dân đảo ấm no, hệ sinh thái được bảo tồn. Hai mẻ cá bè vàng lịch sử 160 tấn và 120 tấn trị giá tiền tỷ của ngư dân tỉnh Quảng Trị đánh bắt được ở quanh đảo Cồn Cỏ đã minh chứng cho điều đó.

Giờ đây, những đoàn khách trong và ngoài nước có thể ngồi trên con tàu Cồn Cỏ Tourist trị giá 20 tỷ đồng, mất khoảng 1 giờ để ra thăm thú, lặn biển, thưởng thức những đặc sản trên đảo tiền tiêu… 

Ngọc Vũ

847 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2000
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2000
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76249650