Kiểm lâm huyện Đak Rông (Quảng Trị) và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) kiểm tra thông tin cây gỗ bị đốn hạ tại địa điểm dựng chòi canh vào thời điểm chòi vừa được dựng lại. Ảnh: HT.
Tiếp đó, từ ngày 16.10, xã A Bung dựng lại chòi canh. Khung gỗ ở chòi bị cưa được thay mới, mái tôn kẽm nhăn nhúm được đập phẳng và lợp lại, các chân gỗ bị cưa cũng được chắp nối, gia cố lại. Tấm biển “Đội bảo vệ rừng thôn A Bung” cũng được làm mới, gắn ở chòi canh. Việc cắt cử lực lượng chốt ở chòi được triển khai.
Tuy nhiên, đến 2h30 ngày 24.10, 4 thành viên của tổ bảo vệ rừng xã A Bung đang ngủ tại chòi bảo vệ rừng thì xuất hiện khoảng 40 người dân của làng La Nga và Pi ReH (thôn 7, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang theo rựa và gậy. Đoàn người này kéo 4 bảo vệ rừng ra khỏi chòi, dùng máy cưa xăng phá hoại và thiêu rụi toàn bộ chòi gỗ.
Báo cáo của UBND xã A Bung, lực lượng bảo vệ chòi đã xác định được danh tính một số đối tượng đến phá chòi như: Hồ Văn Khê (trưởng thôn 7), Hồ Cu Reh (làng Pi ReH), Hồ Cu Tíc, Hồ Cu Tinh, Hồ Văn Diên (làng La Nga)…
Chòi canh bị 40 đối tượng dùng cưa băm nát rồi châm lửa đốt. Ảnh: HT.
Theo lãnh đạo xã A Bung, việc phá chòi canh bảo vệ rừng không chỉ xâm phạm tài sản của nhà nước, mà còn khiến tình hình ở khu vực đang tranh chấp về địa giới hành chính giữa 2 xã A Bung và Hồng Thủy thêm căng thẳng.
Được biết, xã A Bung dựng chòi canh bảo vệ rừng trên địa phận được cho là của xã A Bung quản lý. Ngược lại, xã Hồng Thủy nói rằng địa điểm đặt chòi canh bảo vệ rừng nằm sâu trong địa giới hành chính của xã Hồng Thủy. Ghi nhận cho thấy, ở khu vực đặt chòi bảo vệ rừng, nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ từ trước và có hiện tượng đang được cưa xẻ thành hộp gỗ để vận chuyển ra khỏi rừng.
Từ thông tin nói trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đak Rông phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đi kiểm tra. Ngoài việc phát hiện có cây gỗ đã bị đốn hạ, có dấu vết mới bị cửa xẻ, còn phát hiện việc chồng lấn khu vực quản lý. Cụ thể, Kiểm lâm Đak Rông xác định khu vực đặt chốt bảo vệ rừng thuộc tiểu khu 758, thuộc quản lý xã A Bung; Kiểm lâm huyện A Lưới thì xác định địa điểm trên thuộc tiểu khu 258 và quản lý của xã Hồng Thủy.