Nửa đầu năm 2018 thu ngân sách bằng 49,4% dự toán 

(Chinhphu.vn) - Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017.

Đây là thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Tài chính.

 

 

Toàn cảnh hội nghị.Ảnh:VGP/Huy Thắng

Trong đó, thu nội địa, lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 15,5% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa ước đạt 402,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017.

 

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Thuế đã tích cực rà soát, kiểm tra, giám sát việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp; đôn đốc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4,7 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2 nghìn tỷ đồng).

 

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng cho biết đã thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử; tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn chính sách, pháp luật về thuế.

 

Ước tính 6 tháng có 45/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), trong đó 36 địa phương thu đạt trên 53% dự toán; 53/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 10 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ. Loại trừ đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, thì có 31 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán; đáng chú ý là có 32 địa phương tiến độ thấp so dự toán, trong đó có 13 địa phương thu 6 tháng đạt dưới 45% dự toán năm.

 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết, thu từ dầu thô lũy kế 6 tháng ước đạt 29,6 nghìn tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu lũy kế 6 tháng ước đạt 146 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ năm 2017…

 

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng ngành Tài chính vẫn cần phải nỗ lực hơn trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc bảo đảm tiến độ thu ngân sách tốt hơn. Đồng thời, về dài hạn cần thực hiện các mục tiêu chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường quản lý thuế tốt hơn với các khu vực hộ kinh doanh, khu vực phi chính thức, khẩn trương hơn trong việc triển khai hoá đơn điện tử, thu đủ, chống thất thu thuế, đồng thời tái cơ cấu tiết giảm chi phí quản lý thuế…

 

Về phía chi, tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, bảo đảm thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

 

Bộ Tài chính đánh giá, công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN, góp phần nâng cao kỷ luật tài chính và hiệu quả sử dụng NSNN.

 

Riêng thực hiện chi đầu tư XDCB (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ), tuy tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2017 (đạt 31,7% dự toán so với mức 25,6% cùng kỳ), song vẫn chậm so yêu cầu dự toán (có 35 bộ, ngành trung ương và 6 địa phương giải ngân đạt dưới 25% dự toán). Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

 

Về cân đối ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; đã thực hiện phát hành 89,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán. Mục tiêu năm 2018, ngành tài chính phải thu ngân sách vượt dự toán khoảng 5%.

 

Huy Thắng

761 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 878
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 878
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022821