Điều chỉnh là tất yếu sau thời gian dài tăng nóng
Nếu tạm gác những ảnh hưởng nhất định từ thị trường tài chính thế giới thì đà giảm điểm của chứng khoán Việt Nam trong suốt mấy tháng qua là diễn biến tất yếu sau một thời gian tăng nóng khá dài, đặc biệt là suốt năm 2017, khi tốc độ tăng giá cổ phiếu lên tới 48%, vượt xa mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (26%). Đặc biệt, tăng nóng là các cổ phiếu vốn hóa lớn - nhóm đang chi phối điểm số của VN-Index lẫn tâm lý thị trường chung.
Vậy nên thông tin vào trung tuần tháng 2/2018 về việc UBCKNN kiến nghị Bộ Tài chính nâng tỉ lệ margin (ký quỹ) từ mức 50-50 về mức thông lệ chung của thế giới là 60-40 (tức nhà đầu tư phải có 60% tiền mua cổ phiếu, công ty chứng khoán cho vay 40% còn lại) đã gây hiệu ứng tâm lý nhất định lên thị trường. Dù chưa được ban hành chính thức nhưng nhiều nhà đầu tư “có nguy cơ” đã bắt đầu “canh bán” cổ phiếu; người môi giới chứng khoán cũng “hối thúc” nhà đầu tư giảm margin để “chuẩn bị tinh thần”.
Đến đầu tháng 3, thời điểm thị trường cổ phiếu niêm yết vẫn đang “ngon trớn” thì tại Báo cáo về tình hình kinh tế tài chính 2 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) tiếp tục phát cảnh báo “mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2017 và đầu năm 2018 là nhanh và tiềm ẩn rủi ro. Trong khi đó, quy mô cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn chưa được giám sát đầy đủ”.
Cơ quan này cũng cho rằng để có được sự tăng trưởng bền vững cho thị trường cổ phiếu, UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay ký quỹ chứng khoán.
Đến đầu tháng 4, ông Chris Freund, Tổng Giám đốc của Mekong Capital đã lên tiếng cảnh báo mức định giá quá cao của các doanh nghiệp lớn trên sàn như Vinamilk, Sabeco, Vingroup và Vincom Retail khiến thị trường có trạng thái gần giống như bong bóng chứng khoán hồi năm 2006.
Rõ ràng những thông điệp liên tục ấy dù ít, dù nhiều đã có “tác động” tới các nhà cho vay. Theo đó, nhiều đối tượng vay vốn lẫn hạn mức tín dụng đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực phi sản xuất bắt đầu bị hạn chế dần.
Khi quả bóng đòn bẩy buộc phải “xì hơi” thì chứng khoán bắt đầu bước vào “chợ chiều”. Đây cũng là diễn biến thường thấy ở thị trường Việt Nam.
Tác động từ thế giới và động thái của khối ngoại
Trên một góc nhìn khác - nơi có sự tác động khá lớn của dòng tiền ngoại (FII), ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh TPHCM cho rằng chỉ số P/E (thị giá/thu nhập một cổ phiếu) của thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm trung tuần tháng 4 đã lên mức khá cao. Nhiều cổ phiếu có P/E từ 20-25 lần, trong khi P/E của nhiều nước khác trong khu vực chỉ từ 15-18 lần.
Các nhà đầu tư lớn - đa phần là các quỹ đầu tư và nhà đầu tư ngoại, do đó bắt đầu chọn giải pháp bán ra để chốt lời. Và cũng vì cổ phiếu nhóm này nắm giữ chủ yếu là các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong rổ tính VN-Index nên lực bán ra đã khiến tâm lý của đông đảo nhà đầu tư cá nhân bị tác động ngay lập tức.
Có thể thấy, cùng trong xu thế bán ra, trong khi đám đông nhà đầu tư nhỏ lẻ lại chủ yếu bị dẫn dắt tâm lý, bán để cắt lỗ, bán để giải chấp thì không ít người bán là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư ngoại dường như lại đang mang tâm thế bán đi để mua lại ở vùng giá thấp hơn. “Các quỹ đầu tư lớn bán đi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, chuẩn bị mua hàng mới. Nhưng đây đồng thời cũng lại là cơ hội cho những thông tin thất thiệt và suy diễn được dịp bùng nổ, “dìm” thị trường xuống sâu hơn nhằm thu gom cổ phiếu giá rẻ”, ông Phương nhận định thêm.
Tất nhiên, phải thừa nhận nguyên nhân cơ bản khác khiến chứng khoán Việt Nam giảm sâu gần đây xuất phát từ xu thế điều chỉnh chung của hàng loạt thị trường chứng khoán lớn trên thế giới sau khi đã tăng mạnh trong suốt 2 năm 2016-2017. Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những dự kiến tăng lãi suất của FED càng khiến các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu bị hút về phía Mỹ mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành, hiện tượng khối ngoại bán và rút vốn khỏi nhiều nước khác ở Đông Nam Á như Malaysia hay Thái Lan còn lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Chỉ là tâm lý nhà đầu tư Việt đang quá phụ thuộc động thái dòng tiền ngoại nên khi khối này bán ròng đã dễ dàng tạo ra sự bi quan.
Ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, cũng khẳng định “Khối ngoại chỉ mới bán ròng trên thị trường chứng khoán chứ chưa thấy hiện tượng rút tiền ra khỏi Việt Nam”.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng dẫn thống kê cho thấy dòng tiền ngoại vào chứng khoán Việt Nam (FII) năm 2017 là 1,8 tỷ USD, trong đó có 1,2 tỷ USD đi vào cổ phiếu. “Dù vừa rồi FII có rút ra bớt nhưng so với 6 tháng đầu năm ngoái thì năm nay vẫn còn thặng dư lớn”.
Thực vậy, dữ liệu từ UBCKNN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 33.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết; 1,54 nghìn tỷ đồng cho sàn UPCOM và 1,8 nghìn tỷ đồng nữa cho trái phiếu doanh nghiệp.
Phương Hiền