Nữ sinh Quảng Trị che bạt trên đồi, tìm sóng 3G để học trực tuyến 

(tintuc.vn)- Gia đình ở vùng núi, sóng điện thoại yếu nên 2 nữ sinh phải đi lên đồi, chọn địa điểm có sóng để cắm chốt học trực tuyến.

Lên đồi tìm sóng điện thoại

Nhà của nữ sinh Hồ Thị Tăm, lớp 12B6, Trường THPT Đakrông ở thôn Khe Ngài (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) chỉ cách Trường THPT Đakrông khoảng 4km, nhưng việc đi lại khá khó khăn vì phải sang sông. Ở nơi Tăm ở, sóng điện thoại rất yếu, chập chờn, nên khoảng 2 tuần nay, khi trường triển khai dạy học trực tuyến vì dịch COVID-19, việc học của Tăm gặp khó khăn.

Hồ Thị Tăm học trực tuyến. Ảnh: Thúy Chi.

Hồ Thị Tăm học trực tuyến. Ảnh: Thúy Chi.

Nhà ở nơi trũng, bao quanh là những ngọn đồi, nên khi ở trong nhà thì không có sóng 3G. Khi đến buổi học trực tuyến, Tăm đến nhà của Hồ Thị Sương (lớp 12B2, Trường THPT Đakrông) ở cạnh đấy, nhưng cũng không bắt được sóng. Cầm chiếc điện thoại đã cũ, 2 nữ sinh đi dò, đến quả đồi cách nhà mấy chục mét thì sóng ổn. Vào mạng học được, nên các em đánh dấu vị trí địa điểm có sóng, và ngày nào cũng lên đấy ngồi học.
Mấy hôm đầu, trời nắng nóng, học giữa trời nên Tăm bị cảm. Mấy hôm sau đó thì trời lại mưa, nên bố mẹ Tăm và Sương chặt mấy cây tràm chôn xuống đất, lấy tấm bạt phủ lên trên. Bây giờ, từ thứ 2 đến thứ 6, vào giờ học theo lịch, Tăm và Sương ôm cặp lên đồi, ở đó có chiếc loa cũ làm bàn và tấm bạt che mưa che nắng. Đặt điện thoại đúng điểm đánh dấu, 2 em vào học trực tuyến, chăm chú lắng nghe, ghi chép cùng các bạn.

Địa điểm có sóng 3G được Tăm và Sương chọn để học trực tuyến. Ảnh: Thúy Chi.

 

Địa điểm có sóng 3G được Tăm và Sương chọn để học trực tuyến. Ảnh: Thúy Chi.

Cô giáo Lê Nguyễn Thúy Chi (chủ nhiệm lớp 12B6) cho biết, Tăm học ngoan, là học sinh khá. “Lúc học trực tuyến, xem hình ảnh thì thấy Tăm không ngồi ở trong nhà. Hỏi mới biết em lên đồi học mới có sóng điện thoại, thấy thương em quá. Ở lớp, có nhiều em học sinh người đồng bào thiểu số còn không có điện thoại để học” – cô giáo Chi, cho hay.

 

Nghỉ học lên rẫy kiếm tiền mua sim 3G

Thầy giáo Nguyễn Phương Nam – Bí thư Đoàn Trường THPT Đakrông cho hay, khi triển khai học trực tuyến, bữa đầu tiên Tăm nghỉ học. Hỏi sao lại nghỉ, Tăm kể không có tiền mua sim 3G. “Em ấy bỏ học 1 ngày để lên rẫy kiếm tiền mua sim 3G. Thấy nhiều trường hợp khó khăn, nên chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ” – thầy giáo Nam, nói.

Theo thầy Lê Chí Thông - Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông, nhà trường đã tổ chức dạy học qua internet cho học sinh toàn trường theo thời khóa biểu, bắt đầu từ ngày 26.3. Tuy nhiên, nhiều học sinh không có điện thoại smartphone, hoặc có thì kết nối được internet cũng ít. Riêng đối với khối 12, trong số 225 học sinh có 65% có điện thoại smartphone nhưng chỉ có 52% số học sinh kết nối mạng internet.

Do ở xa trung tâm, nằm giữa núi đồi nên sóng điện thoại yếu, ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của học sinh miền núi. Ảnh: Thúy Chi.

 

Do ở xa trung tâm, nằm giữa núi đồi nên sóng điện thoại yếu, ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của học sinh miền núi. Ảnh: Thúy Chi.

 

Trước tình trạng này, nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn nên số lượng học sinh có thêm thiết bị kết nối được internet còn hạn chế. Bên cạnh đó, do địa hình hiểm trở, nên nhiều học sinh có điện thoại smartphone nhưng không kết nối được với mạng di động. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tổ chức dạy học qua internet của nhà trường.

“Để giúp các em có thêm điều kiện tham gia học qua internet và truyền hình, nhà trường đã phát động quyên góp để tặng sim 3G, điện thoại cho những học sinh có hoàn hoàn cảnh khó khăn. Hiện số tiền đóng góp mới được 2 triệu đồng” – thầy giáo Thông cho biết.

 

Hưng Thơ / laodong.vn

263 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 799
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 799
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87016551