Theo đuổi môn Lịch sử từ năm lớp 7
Em Hồ Ngọc Bảo Khanh (học sinh lớp 12A11, trường THPT thị xã Quảng Trị) là 1 trong số 32 thí sinh tại tỉnh Quảng Trị đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Trò chuyện với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, em Bảo Khanh cho biết, mặc dù sớm xác định môn Lịch sử là môn “chủ công” của mình trong việc thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2022, tuy nhiên, em vẫn rất bất ngờ khi biết bài thi của mình đạt điểm tuyệt đối.
Em Hồ Ngọc Bảo Khanh, 1 trong số 32 thí sinh tại Quảng Trị đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: NVCC).
“Ban đầu em chỉ đặt ra cho mình mục tiêu môn Lịch sử sẽ đạt được 8,5 điểm trở lên thôi. Sau khi thi về em đã kiểm tra lại phần bài làm của mình và cũng tự nhận thấy mình đã đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí là khá cao so với mục tiêu ban đầu. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả 10 điểm môn Lịch sử em vẫn rất vui và bất ngờ”, Bảo Khanh nói.
Chia sẻ về việc học môn Lịch sử, Bảo Khanh nhớ lại, hồi em còn học lớp 7 đã nhận thấy bản thân mình khá phù hợp với những môn học thuộc khối xã hội. Trong đó, em có hứng thú đặc biệt đối với môn Lịch sử.
Hồ Ngọc Bảo Khanh đã sớm có niềm đam mê với môn Lịch sử (Ảnh: NVCC).
“Em đọc Lịch sử nhiều, mỗi lần đọc em đều rất say sưa và không có cảm giác mệt mỏi, uể oải như khi học nhiều môn khác. Mỗi lần đọc Lịch sử em đều có cảm giác hình ảnh về các sự kiện như đang diễn ra trực tiếp trước mắt mình. Em thích nhất là Lịch sử Việt Nam giai đoạn phong kiến. Em thường dành thời gian để học môn này nhiều hơn so với các môn học khác”, Bảo Khanh chia sẻ.
Cũng theo Bảo Khanh, trong quá trình học và thi môn Lịch sử em gần như không có một kỹ thuật hay thủ thuật nào để ghi nhớ mà chủ yếu bám sát theo sách giáo khoa là chính.
Và, để có kết quả tốt thì người học phải thực sự có niềm đam mê với môn Lịch sử. “Các dấu mốc, sự kiện trong lịch sử là rất nhiều, nếu học một cách cưỡng ép, ghi nhớ thụ động thì sẽ rất mệt mỏi. Nhưng nếu đam mê thì việc ghi nhớ các dấu mốc, sự kiện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”, Bảo Khánh kể.
Được biết, Bảo Khanh sinh ra trong một gia đình có 4 chị em. Người chị đầu tốt nghiệp một trường Đại học Kinh tế và đã đi làm. Mẹ em làm nghề buôn bán nhỏ, còn bố là quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Bảo Khanh đã làm hồ sơ để xét tuyển vào ngành Quan hệ Quốc tế, Quản trị du lịch khách sạn và lữ hành với 2 tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa) và D14 (Văn - Sử - Anh).
Bảo Khanh nhận định, nếu so với điểm chuẩn của năm ngoái thì điểm thi em đạt được ở các tổ hợp nói trên hiện tại đang khá thấp. Tuy nhiên, em cũng cho rằng, mặt bằng điểm thi tốt nghiệp năm 2021 cao hơn so với năm nay nên vẫn hi vọng rằng mình sẽ trúng tuyển ngành mà mình yêu thích.
Bảo Khanh chia sẻ thêm, dù sau này có học ngành nào, trường nào đi chăng nữa thì bản thân em vẫn tiếp tục duy trì niềm đam mê và tìm đọc các tư liệu của môn Lịch sử.
Muốn học tốt môn Lịch sử, phải thực sự thoải mái
Cùng chung niềm đam mê và cũng là 1 trong số 32 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tuy nhiên, em Lý Thùy Nhung (học sinh lớp 12A4, trường THPT thị xã Quảng Trị) lại có cách học khác so với Bảo Khanh.
Em Lý Thùy Nhung chụp ảnh cùng bố của mình trong buổi tổng kết cuối năm học lớp 12 (Ảnh: NVCC).
Thùy Nhung cho rằng, trước đó bản thân em không thực sự chú trọng môn Lịch sử, vì vậy, điểm tổng kết các năm cấp 3 cũng chỉ khoảng 7 - 8 điểm. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng tháng 11/2021, sau khi bản thân chuyển hướng sang tìm hiểu môn học này em đã bị lôi cuốn.
“Em không học thuộc lòng như nhiều bạn áp dụng mà thường hay liên hệ và xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Ví dụ như, cùng khoảng thời gian năm 1945, em sẽ tìm đọc, lắng nghe, ghi nhớ ở Việt Nam có những sự kiện nào nổi bật, đồng thời, em sẽ tìm hiểu xem trùng với thời điểm đó thì trên thế giới hay một số quốc gia điển hình như Nhật Bản, Nga… có những sự kiện gì”, Thùy Nhung chia sẻ.
Thùy Nhung tự nhận định, bản thân em có khả năng ghi nhớ khá tốt và dường như sau những bài giảng của giáo viên trên lớp em đều thuộc, ghi nhớ, hiểu ngay.
Cùng với đó, Lý Thùy Nhung cho biết thêm, em không chỉ dừng lại ở việc đọc sách mà còn lên mạng xã hội để tìm và xem các video tóm tắt về Lịch sử ở các nước, khu vực hay về các vĩ nhân như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Thùy Nhung nhắn nhủ, các bạn nếu muốn học tốt môn Lịch sử hãy thực sự thoải mái, phải tìm ra niềm vui trong môn học thì kết quả sẽ đến một cách tự nhiên. Nó không hề mệt mỏi và hiệu quả sẽ tốt hơn so với chuyện ép buộc bản thân phải thuộc, ghi nhớ kiến thức.
Chia sẻ về quá trình học tập của con mình ông Hồ Ngọc Trai (56 tuổi, bố của em Hồ Ngọc Bảo Khanh) cho biết, ngay từ hồi học THCS, Bảo Khanh đã sớm thể hiện sự hứng thú đối với các môn thuộc khối xã hội. Qua đó, ông Trai động viên con gái kiên định với lựa chọn của mình, nỗ lực hết sức để đạt được kết quả học tập tốt nhất.
“Tôi thường nhắc nhở các con rằng, “dân ta phải biết sử ta”, do đó trước tiên con hãy học thật tốt lịch sử nước nhà rồi sau đó học, tìm hiểu lịch sử nước ngoài sau. Gia đình tôi rất vui và tự hào về kết quả học tập mà cháu đã đạt được vì đó là sự nỗ lực, cố gắng của con”, ông Trai cho hay.