Vụ nữ sinh lớp 10 ở Quảng Trị bị một nhóm nam sinh hãm hiếp gây chấn động dư luận suốt những ngày qua. Bởi lẽ 9 đối tượng gây án lại nằm trong độ tuổi vị thành niên. Đâu là nguyên nhân của tình trạng đáng báo động này và khung hình phạt nào dành cho người chưa thành niên khi thực hiện hành vi hiếp dâm? Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Hoàng Trọng Giáp – Giám đốc công ty Luật Hoàng Gia.
|
Trường THPT Nguyễn Hữu Thận - nơi nữ sinh lớp 10 bị xâm hại theo học. |
PV: Sự việc nữ sinh bị hiếp dâm, sát hại dã man ở Điện Biên; bé gái 9 tuổi ở Chương Mỹ, Hà Nội bị xâm hại chưa kịp lắng xuống thì một lần nữa dư luận dậy sóng trước việc học sinh lớp 10 ở xã Triệu Hoà, huyện Triệu Phong, Quảng Trị bị các nam sinh trường THPT Nguyễn Hữu Thận, THPT Triệu Phong và một số đối tượng khác hiếp dâm tập thể. Luật sư suy nghĩ như thế nào khi các đối tượng phạm tội, nạn nhân đang ở lứa tuổi vị thành niên?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Dư luận đang rất xôn xao về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, vị thành niên, bởi đây là lứa tuổi rất hồn nhiên, ở tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi được nâng niu, bao học bởi gia đình, thầy cô giáo, người thân. Câu chuyện các bé gái, nữ sinh trung học bị xâm hại tình dục là câu chuyện đáng buồn, không nên có ở lứa tuổi này. Bởi trẻ em đang là giai đoạn đầu cho lứa tuổi phát triển sau này, những ảnh hưởng khi bị xâm hại tình dục là mối nguy hại lớn về sau, không chỉ ảnh hưởng chấn động tâm lý, cảm xúc mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe tương lai của các em.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này, một phần là do tư duy, hành xử thiếu hiểu biết, cộng với lối sống thiếu lành mạnh của một số bạn trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ là nam giới.
PV: Theo ông, sự bùng nổ internet và mạng xã hội có ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ, hành động, tâm sinh lý của giới trẻ hiện nay?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Với thời đại phát triển internet như hiện nay, sự lan truyền tin tức, đặc biệt là những clip bạo lực, đánh ghen... lan truyền, tiếp xúc với giới trẻ rất nhanh. Trong đó, rất ít người xử lý những thông tin đó theo chiều hướng tích cực.
Theo tôi, do trình độ nhận thức, giáo dục, nên nhiều trẻ vị thành niên sẽ bỡ ngỡ khi tiếp cận những thông tin xấu, chưa có cách xử lý theo hướng tích cực, đa phần sẽ rơi vào “bẫy”, sẽ thực hành, thử áp dụng theo clip xấu.
Internet có tính chất 2 mặt đối với các em ở lứa tuổi vị thành niên, vì việc tiếp nhận thông tin của các em chưa đầy đủ.
PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay chúng ta quá chú trọng dạy kiến thức mà ít quan tâm đến dạy lễ nghĩa, đạo đức, cũng như chưa quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Ý kiến của ông như thế nào?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Nếu nói chúng ta quá chú trọng về kiến thức thì cũng không hẳn sai, vì nền giáo dục hiện nay vẫn chú trọng đào tạo để các em học thật giỏi văn hóa và đây cũng là mục tiêu của bố mẹ, thầy cô giáo.
Trong khi đó, giáo dục hiện nay cũng chưa đề cao việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý tình huống cho các em.
Chính vì thế, thời lượng học quá nhiều, nên các em không có thời gian. Do đó, trong nhà trường nên áp dụng kỹ năng mềm cho các em, ví dụ đưa ra một tình huống xảy ra trong thực tế như bị xâm hại tình dục, mua chuộc, dụ dỗ... thì các em xử lý thế nào? Đó là những tình huống cần thiết để các em có thể nắm bắt được.
Theo quan điểm của tôi, những câu chuyện đau lòng ở trên xảy ra, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
PV: Đối với sự việc ở Quảng Trị, những đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào khi số đông là những người vị thành niên?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi phạm tội của mình.
Trường hợp ở Quảng Trị, các đối tượng đều dưới 18 tuổi, nếu đủ từ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với hành vi Hiếp dâm, theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự và hành vi Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự, có thể lên đến tử hình.
Tuy nhiên, đối tượng vị thành niên dưới 18 tuổi, thì khung hình phạt tử hình và tù chung thân sẽ không được áp dụng.
Theo quan điểm của tôi, mức hình phạt theo quy định tại Điều 141 và 142 Bộ luật Hình sự đã đủ sức răn đe đối với các đối tượng. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần có những răn đe, ngăn ngừa hành vi từ trước đó; phụ huynh, giáo viên cũng cần xem con em, học trò có những biểu hiện như thế nào, chứ không nên để vụ việc xảy ra rồi thì mới đi giải quyết.
PV: Ông có cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tội phạm hiếp dâm gia tăng do các cơ quan chức năng vẫn còn nương tay trong vấn đề xử lý kẻ phạm tội, vì hầu như chưa có kẻ hiếp dâm nào phải chịu án chung thân hay tử hình như quy định tại Bộ luật Hình sự?
Luật sư Hoàng Trọng Giáp: Nhận định cơ quan Nhà nước đang có phần nương tay thì chưa hoàn toàn chính xác. Đối với tội Hiếp dâm theo Quy định tại Điều 141 và Điều 142 về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, mức hình phạt như vậy đã đủ mức răn đe.
Có chăng, cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện hơn những văn bản pháp luật, là phải nắm bắt những hành vi quấy rối tình dục, dâm ô ở nơi công cộng, ở công sở thì phải được xử lý triệt để ngay từ ban đầu, chứ không phải đến khi xảy ra rồi mới xử lý.
Đối với hành vi quấy rối tình dục, cơ quan Nhà nước cũng cần có chế tài đưa vào Luật Hình sự.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Thu Hằng/VOV2