"Nữ hoàng" của các bãi tắm đã bị ... đánh cắp 

Biển Cửa Tùng tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từng có các bãi cát trắng tuyệt đẹp trải dài với bờ biển hoang sơ, được người Pháp ví là “Nữ hoàng của các bãi tắm”. Thời gian đầu khai thác, khách du lịch đây đó đều ấn tượng và chọn nơi này làm điểm đến. Nhưng khoảng mươi năm trở lại, “nữ hoàng” ngày một gầy hao, teo tóp. Đặc biệt, năm 2017 và 2018 này, bãi cát trắng mịn màng của bãi tắm biến mất, thay vào đó là sự bồi đắp của cát vàng thô tháp, thậm chí có lúc bãi tắm trơ đá, khiến ai cũng ngẩn ngơ, tiếc nuối...

Từng hút 10.000 lượt khách/ngày

Tầm tháng 4, tháng 5 là bắt đầu mùa khai thác du lịch biển tại tỉnh Quảng Trị. Trước kia, cứ vào dịp này là bãi tắm Cửa Tùng đông nghịt khách. Du khách đến tắm biển, ăn hải sản được đánh bắt ngay trên vùng biển này. Bãi tắm đẹp, hải sản ngon, rẻ nên hiếm chuyện khách đến một đi không trở lại. Ông Nguyễn Văn Phú – Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng hoài niệm câu chuyện cũ, rằng từ thời Pháp thuộc, bãi biển Cửa Tùng được gọi là “Nữ hoàng của các bãi tắm”. Người Pháp gọi vậy, là vì nơi này có điều kiện tự nhiên hiếm có. Trên bờ là các đồi đất đỏ với cây cối hoang sơ, phía dưới là bờ biển với những bãi cát trắng mịn, trải dài theo các bãi đá nhô ra phía biển, tạo thành các vòng cung. “Người dân còn lan truyền câu chuyện Vua Duy Tân từng về nơi này nghỉ và thăm thú” – ông Phú, kể.

Sau đó, khi bãi tắm Cửa Tùng được đưa vào khai thác, huyện Vĩnh Linh đã thành lập ban quản lý bãi tắm, xây dựng các con đường dẫn xuống bãi. Những năm 2000-2007 được xem là thời kỳ hoàng kim của bãi tắm Cửa Tùng, khi lượng khách trong tỉnh, ngoài tỉnh đổ về đây nườm nượp. Đơn cử như năm 2004, lúc đó ông Phú đang đảm nhận chức Phó Chủ tịch UBND thị trấn, địa phương có tổ chức lễ hội, và bất ngờ chỉ trong 1 ngày, có 10.000 lượt khách đến bãi tắm. “Lúc đó, toàn bộ cán bộ, lãnh đạo ủy ban đều được huy động để sắp xếp xe cộ, đường sá người như nêm” – ông Phú nhớ lại.

Chúng tôi đến Cửa Tùng trung tuần tháng 5, ghé vào một dãy hàng quán cạnh bãi tắm lúc đã về chiều, nhưng nhìn quanh chỉ thấy lác đác vài hành khách đến ăn hải sản chứ tuyệt nhiên không ai xuống “nữ hoàng” để tắm. Ông Nguyễn Viết Trợ (SN 1956, trú tại khu phố Hòa Lý, thị trấn Cửa Tùng) lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về việc buôn bán kinh doanh hiện tại. Ông Trợ từng làm chủ nhiệm bãi tắm Cửa Tùng lúc nơi này mới thành lập, thấy khách đến đông, gia đình ông cũng mở một hàng quán. Ban đầu, nơi này có gần 80 hàng quán, quán này kê sát quán kia, khách xuống bãi tắm thỏa thích, rồi lên đây ăn hải sản được đánh bắt ở ngoài biển còn tươi rói… “Nhưng đó là trước kia, nay thì chỉ lác đác vài khách. Nhiều người từng là khách quen của quán, họ ở tận ngoài Hà Nội, bây giờ trở lại họ giật mình, nói bãi tắm đi đâu cả rồi, cát trắng biến đâu mất rồi” – ông Trợ, xót xa.

Ngồi trên dãy hàng quán bằng ximăng vôi vữa, gió biển vẫn thổi vào mát lạnh, ở phía dưới, trước kia là bãi cát trắng mịn, thì bây giờ là cát vàng thô tháp, đôi chỗ còn lộ ra những khối đá tảng. Bãi tắm cũng không còn êm đềm, khi đôi chỗ xuất hiện dòng chảy xiết… “Lượng cát bị sạt, bị ăn vào với chiều sâu cả mét, nên mới trơ đá và cát mới biến mất thế kia” – ông Phú, buồn bã… 

Bãi tắm Cửa Tùng đang bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng không còn bãi cát trắng mịn như trước đây.

Bãi tắm Cửa Tùng đang bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng không còn bãi cát trắng mịn như trước đây.

Ai đánh cắp “nữ hoàng”?

 

Cửa Tùng bây giờ, không chỉ bãi tắm thiếu bóng du khách, mà các dãy nhà hàng, khách sạn vắng hoe, nhiều cơ sở trước đây làm ăn phát đạt, giờ phải đóng cửa vì ế ẩm. Nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng đầu tư tại bãi biển Cửa Tùng cũng bỏ dở, ảm đạm như những ngôi nhà hoang vô chủ… Từ bao giờ nơi được ví “nữ hoàng của các bãi tắm” rơi vào cảnh này?.

Năm 2005, khi dịch vụ du lịch tại bãi tắm Cửa Tùng đang trong cơn sốt với lượng khách kéo về ngày càng đông, thì tỉnh Quảng Trị cho xây dựng bờ kè phía Nam chắn sóng. Gắn bó với nơi này nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Viết Trợ nhận định: “Nơi này trước đây toàn cát trắng, từ khi xây dựng kè phía Nam đã chắn cát lại; cát trắng không thể đổ về bãi tắm. Trong khi cát vàng từ hướng khác liên tục ùa về mỗi năm, dẫn đến tình trạng, cửa biển vẫn cứ cạn, còn bãi tắm thì dần biến mất do bị xâm thực nghiêm trọng. Đó là chưa kể hiện nay, gần như xã nào cũng có bãi tắm, việc đầu tư dàn trải này đã phân tán lượng du khách”.  

Sau khi xây dựng xong bờ kè phía Nam, bãi tắm dần bị xâm thực, nhưng tình trạng cửa biển bị bồi lấp vẫn không giảm, nên tỉnh Quảng Trị cho... hút cát nạo vét,  nhưng lượng cát này lại không được đổ về bãi tắm mà bị doanh nghiệp mang đi bán. Giải thích cho việc này, ông Ngô Văn Phú, cho biết: “Do ngân sách khó khăn, nên trong quá trình thỏa thuận nạo vét, tỉnh đồng ý cho doanh nghiệp lấy lượng cát hút lên đem đi bán. Con số này coi như bù vào chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho việc hút cát”.

Ở Cửa Tùng, ngoài lĩnh vực du lịch biển, còn có rất nhiều ngư dân hành nghề đánh bắt thủy, hải sản. Hàng năm, ngành chức năng cho tiến hành duy tu, nạo vét, khơi thông luồng lạch phục vụ tàu thuyền ra vào cảng cá Cửa Tùng. Việc làm này được bà con ngư dân đồng tình, nhưng lại làm mất đi lượng cát ở bãi tắm, khiến tình trạng xâm thực càng nghiêm trọng. “Thực trạng trên đang đẩy địa phương vào sự mâu thuẫn giữa hai “dòng lợi ích”- ông Phú nói. Tiếp đó, để khắc phục tình trạng xâm thực bãi tắm, tỉnh Quảng Trị cho xây dựng bờ kè phía Bắc, nhưng do bờ kè này... ngắn quá, nên không phát huy được tác dụng.

Trong lúc các phương án cứu lấy bãi tắm không phát huy được tác dụng, thì việc nạo hút cát ở vùng cửa biển càng làm tình hình thêm trầm trọng. Trong năm 2017, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Vĩnh Linh đã xuống kiểm tra thực địa bãi tắm và ghi nhận, vùng gần Bãi Ao, phần cát bị xâm thực lộ phần đá nhô lên; đặc biệt, cát sụt lún tới 0,5 mét, rộng 30 mét (tính từ bậc tạm cấp để thuyền).

Theo UBND huyện Vĩnh Linh, hiện tượng bồi lấp dọc khu vực cảng cá Cửa Tùng và xâm thực bãi tắm Cửa Tùng đã diễn ra từ nhiều năm qua. Hiện nay, việc xây dựng kè bờ Nam và bờ Bắc là một trong các giải pháp được triển khai để khắc phục vấn đề bồi lấp cửa biển và xâm thực bãi tắm. Trong năm 2017, để xử lý khẩn cấp việc bồi lấp luồng lạch tại Cửa Tùng, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý cảng cá tỉnh Quảng Trị tổ chức nạo vét trong khu neo đậu và khu vực vào, ra cảng theo hình thức xã hội hóa, tuy nhiên do điều kiện thời tiết và một số nguyên nhân khách quan, khối lượng nạo vét chỉ đạt gần 50% so với yêu cầu.

Qua theo dõi thực tiễn tại nhiều địa phương, việc xử lý bồi lấp cửa biển và khôi phục các bãi tắm bị xâm thực có hiệu quả lâu dài, cần phải tiến hành tổ chức nghiên cứu một cách khoa học, kết hợp chặt chẽ nhiều giải pháp, trong đó, cần có sự kiểm tra giữa lý thuyết và mô hình thực nghiệm. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu nguyên nhân xâm thực và đề xuất giải pháp khôi phục bãi tắm Cửa Tùng và khu vực Cảng cá. Sau khi đề tài hoàn thành sẽ tiến hành các giải pháp nhằm đảm bảo tính tổng thể và sử dụng hiệu quả khu vực bãi tắm và cửa biển Cửa Tùng.  

Thực tế, nhiều đề xuất và biện pháp cứu lấy “nữ hoàng của các bãi tắm” đã được đưa ra, nhưng cách triển khai cho thấy rất có vấn đề ở chỗ - bãi tắm không được giữ lại mà ngày càng mất đi vẻ đẹp vốn có. Trong số nhiều lý do dẫn đến việc xâm thực bãi tắm Cửa Tùng, có sự tác động lớn của việc xây dựng bờ kè với mục đích tránh bồi lấp cửa biển. Nhưng thực sự bờ kè đó có làm tốt được nhiệm vụ chống bồi lấp cửa biển hay không, hay chỉ mang lại thêm hậu quả nhãn tiền như đã nói ở trên?.

TRẦN LƯU - HƯNG THƠ

389 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 703
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 703
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87233220