NSND Xuân Đàm: Một không gian sân khấu độc đáo 

Sinh ra và lớn lên tại làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (nay là Đông Hà, Quảng Trị) - một vùng quê nghèo, hẻo lánh - chẳng ai biết Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói là gì cả. Lên mười tuổi, cậu bé Xuân Đàm vào học trường Thánh mẫu Đông Hà của Thiên Chúa giáo (để khỏi phải trả học phí)…

NSND, đạo diễn Xuân Đàm là một trong những tên tuổi lớn của nền sân khấu đương đại Việt Nam. Ngoài những vở diễn có giá trị nghệ thuật đủ các thể loại như Kịch dân ca, Kịch nói, Tuồng… mà ông đã sáng tạo từ những năm 70 của thế kỷ XX; ngót nửa thế kỷ qua, với cương vị là người làm công tác quản lý văn hoá, nghệ thuật nhiều năm của vùng đất Huế - Quảng Trị; (ông từng là Giám đốc Sở văn hóa Thông tin, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị, nhiều năm là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), Xuân Đàm đã có những đóng góp nhất định trong việc giữ gìn và phát triển một nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…            

NSND Xuân Đàm (thứ 3 từ trái qua) cùng vợ là NSƯT Kim Quý (bìa trái)

Sinh ra và lớn lên tại làng Lập Thạch, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị (nay là Đông Hà, Quảng Trị) - một vùng quê nghèo, hẻo lánh - chẳng ai biết Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói là gì cả. Lên mười tuổi, cậu bé Xuân Đàm vào học trường Thánh mẫu Đông Hà của Thiên Chúa giáo (để khỏi phải trả học phí)…

Vào năm Nhật đảo chính Pháp, đang học đệ nhất thì phải bỏ dở, về nhà đi học tư, sau năm tháng học hết chương trình 3 năm bậc tiểu học, nhưng chưa kịp thi chuyển cấp thì nổ ra Tổng khởi nghĩa Tháng 8 - 1945; Xuân Đàm  gia nhập đoàn biểu tình, cướp chính quyền ở tỉnh Quảng Trị… Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn tổng phản công; phong trào xếp bút nghiên ra trận dâng lên mạnh mẽ, chàng trai trẻ Xuân Đàm đã ghi tên nhập ngũ vào ngày 1.7.1950, khi chưa học hết lớp đệ nhị. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, anh tập kết ra Bắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, với chức vụ Trung đội trưởng - quân hàm Thiếu uý. Năm 1960, Xuân Đàm thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, vào học lớp đạo diễn và chính thức chuyển ngành rời khỏi quân ngũ… Từ đó, một chân trời mới với những đam mê, khát vọng nghệ thuật mới đã mở ra trước mắt Xuân Đàm - khi anh  bước vào tuổi "tam thập nhi lập"- với tất cả độ chín và từng trải của người cựu chiến binh vùng đất Bình - Trị - Thiên khói lửa năm xưa…

Nhưng rồi, một niềm vui bất ngờ đã đến với Xuân Đàm, khi vừa học hết kỳ một, anh đã được chọn đi học đạo diễn sân khấu ở Matxcơva (Liên Xô cũ). Từ đó, sau những năm tháng miệt mài học tập (từ 1962 đến 1964, và từ 1967 đến 1970), Xuân Đàm về nước, trở thành một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp. Sau bốn mươi năm lăn lộn với hai cánh gà sân khấu, anh đã đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam trên năm mươi vở diễn; mà trong đó, các tác phẩm "Gia đình má Bẩy"; "Con gà chân chì"; "Tín hiệu trái tim"; "Tiếng hát"; "Bão tố ngoài khơi"; "Tình ca"; "Độc thoại đêm"; "Trần Thủ Độ"; "Bình minh đó, trái tim anh"; "Âm mưu và tình yêu"; "Huyền thoại mẹ"... đã trở thành nổi tiếng, để lại những hiệu quả nghệ thuật đầy cảm xúc trong giới sân khấu cũng như đông đảo công chúng cả nước.

Nhận xét về nghệ thuật đạo diễn của NSND Xuân Đàm, nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức cho rằng: Đó là một không gian sân khấu của làng, văn hoá làng, thứ bùa mê đeo đẳng suốt cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Đàm, thứ đã trói buộc đời ông với quê hương, đã tạo nên cốt cách nghệ sĩ của ông.

Và như thế, nghệ sĩ Xuân Đàm không chỉ để lại cho đời một thành quả lao động sáng tạo đáng khâm phục, mà chắc chắn ông sẽ để lại những dư chấn mạnh mẽ cho các thế hệ nghệ sĩ sau này một tình yêu Tổ quốc đích thực, một tình yêu có cội nguồn sâu xa từ câu ru, điệu Lý, từ ao đằm, bãi cỏ làng quê. Đó là tình yêu đất nước theo cách mà nhà văn Nga Erenbua đã nói…

Còn nhà văn, nhà viết kịch Tất Đạt (người đã cộng tác với Xuân Đàm trong nhiều tác phẩm), thì khẳng định - Sân khấu của Xuân Đàm hoàn toàn ngược với sân khấu thính phòng, không có những điếu thuốc lá phì phèo (làm thế, nhân vật nào trong kịch cũng đều nghiện thuốc hết). Không có những cảnh nhấp ly rượu kênh kiệu, đứng lên ngồi xuống, eo hẹp gò bó trong mấy chiếc ghế sa lông.

Cái cảm giác "diễn kịch" bị Xuân Đàm phá bỏ tan tành. Sân khấu của ông sinh động như cuộc sống thực. Đôi khi, ông cho diễn thực đến mức người xem phải ngỡ ngàng. Xuân Đàm là một đạo diễn độc đáo. Tận dụng chiều ngang, chiều dọc, bề sâu, bề rộng, hố nhạc, trần sân khấu, bậc thang leo lên mái, cánh gà, riềm, phông, gầm sàn, gác chiếu đèn, ông chỉ thiếu một nước là không dỡ mái nhà đi, không có diễn ở giữa lòng khán giả nữa thôi!                        

Với riêng tôi, trong 50 năm là hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, tôi đã cộng tác với hầu hết các đạo diễn tên tuổi, cũng như các đạo diễn trẻ trong nước. Với trên 300 vở diễn đủ các loại hình nghệ thuật - Tuồng, Kịch nói, Chèo, Cải lương, Kịch dân ca, Múa rối, Xiếc và Ca múa nhạc… mỗi đạo diễn, với những quan niệm và phong cách khác nhau - đều cố gắng tạo nên những không gian sân khấu độc đáo của riêng mình. Nhưng trong số đó, một trong những gương mặt đạo diễn đã để lại nhiều ấn tượng nghệ thuật nhất - đó chính là NSND, đạo diễn Xuân Đàm.

Nghe tiếng đạo diễn Xuân Đàm đã lâu - với nhiều vở diễn mà ông đã dàn dựng - nhưng đến đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX, chúng tôi mới cộng tác làm việc với nhau. Đó là vở "Hoa khôi trên núi" (tác giả Tất Đạt) của Đoàn Kịch nói Quân khu 2 - Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp Toàn quân (1984).

Một vở diễn mở hết không gian với phong cách ước lệ, tượng trưng của sân khấu truyền thống, kết hợp với phong cách hiện đại. Rừng núi, đồi đất, cây lá, sông suối của không gian Tây Bắc, Việt Bắc được cách điệu hoá; với ba khối bục tam giác - vừa là cầu thang nhà sàn, vừa là ruộng bậc thang, vừa là hòn đá ven suối - để hai nhân vật chính là cô gái và chàng trai yêu nhau chống lại những thế lực phong kiến, thực dân đã định cướp đi tình yêu trong trắng và hạnh phúc mới đơm hoa kết trái của họ.

Làm việc với Xuân Đàm, điều khiến tôi thoải mái nhất để thả hồn sáng tạo của mình trong việc tạo dựng không gian của vở diễn - là ông không bao giờ áp đặt bất kỳ một ý đồ dàn dựng nào của đạo diễn cho họa sĩ. Trái lại, Xuân Đàm chỉ trao đổi, gợi mở và tôn trọng các sáng tạo của họa sĩ - để từ đó, ông dàn dựng các mảng miếng đạo diễn của mình một cách hiệu quả nhất.

Sân khấu của Xuân Đàm luôn luôn là một sân khấu động - đầy ắp những không gian truyền thống, kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các thủ pháp hiện đại.

Sau vở này, tôi còn cộng tác với Xuân Đàm một số vở kịch khác nữa - nhưng một trong những tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất và để lại ấn tượng cho đến hôm nay - chính là vở kịch nói "Trần Thủ Độ" (tác giả Nguyễn Anh Biên) của Nhà hát Kịch Việt Nam - do NSND Trọng Khôi thủ vai Trần Thủ Độ. Đó là những không gian của nhà Trần từ Thiên Trường cho đến kinh đô Thăng Long với những con thuyền, những cánh buồm - của những khối bục cong nhỏ - vừa là hoa viên, vừa là nội thất, vừa là Bạch Đằng cuộn sóng... Tất cả đều chuyển động, đều chao đảo - tượng trưng cho bối cảnh đầy khó khăn của nhà Trần lúc đó, mà đứng đầu là Thái sư Trần Thủ Độ.

Tại sân khấu Hội diễn ở TP. Thái Nguyên, khi kết thúc lớp cuối cùng; khán giả và các bạn đồng nghiệp đã nồng nhiệt chúc mừng một tác phẩm sân khấu hoành tráng nhưng lại hết sức dung dị - bởi một phong cách dàn dựng và những không gian sân khấu hết sức gợi cảm. Vở "Trần Thủ Độ" đã đạt Huy chương Vàng của Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 1995…

Thấm thoắt, thời gian cứ thế trôi đi, kể từ những ngày đi làm sân khấu với ông - đời người như bóng câu qua cửa sổ. Đến nay, NSND, đạo diễn Xuân Đàm đã bước qua tuổi "bát thập"; lại đã trải qua một căn bệnh hiểm nghèo, nên không thể tiếp tục sáng tạo với những niềm vui, nỗi buồn cùng sàn diễn và hai cánh gà sân khấu nữa. Nhưng với những gì mà ông đã cống hiến, chắc chắn sẽ còn lại mãi với nền nghệ thuật sân khấu cách mạng nước nhà, trong suốt nửa sau của thế kỷ XX.

Bởi, Xuân Đàm là một trong những gương mặt đạo diễn  độc đáo của sân khấu đương đại Việt Nam - đúng như lời tự bạch đầy tâm huyết của ông "Để có một bộ mặt sân khấu Việt Nam khác biệt với thế giới, chúng ta phải trở về cội nguồn của sân khấu dân tộc, có nghĩa là sân khấu Kịch nói Việt Nam cần phải thực hiện khẩu hiệu "Dân tộc hoá" nền sân khấu Kịch nói Việt Nam hiện đại".

 

 
Theo Lê Huy Quang (vnca.cand.com.vn)
780 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1259
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1260
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226006