|
Ảnh minh họa (Nguồn: MD). |
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trong những mối bận tâm được các vị đại biểu Quốc hội đề cập, có mối lo về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động. Đây chính là một “nốt trầm” đáng chú ý trong Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Điều đáng nói, chỉ tiêu này đã hai năm liên tiếp không đạt kế hoạch đề ra. Nếu như năm 2021, chỉ tiêu này chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,8% thì năm 2022, chỉ tiêu này cũng chỉ dừng ở mức 4,8%, tiếp tục không đạt mục tiêu kế hoạch. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.
Cùng với chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP không đạt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận: "cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế".
Thực tế, dù năng suất lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, song vẫn thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn Singapore gần 15 lần (gần 30 năm trước là hơn 29 lần), thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam cũng ở mức rất thấp, gần như ở cận dưới, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 2,4 lần); Myanmar (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).
Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn.
Từ nhiều kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội đã rất "sốt ruột" với chỉ tiêu này. Theo các đại biểu, việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt. “Hiến kế” để tăng năng suất lao động, các đại biểu đề xuất cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia để hình thành bộ máy cơ quan chuyên sâu về năng suất quốc gia, thực hiện nhiệm vụ điều phối phối hợp các động lực tăng trưởng năng suất quốc gia của Việt Nam. Hay các đại biểu cũng nhấn mạnh đến các giải pháp như: nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng lao động; nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động và nâng cao năng lực, tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật; gắn trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội…
Năng suất lao động được coi là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021-2025 bình quân trên 6,5%/năm. Đây là chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm, tăng lợi nhuận doanh nghiệp và tăng thu nhập cho chính người lao động.
Cải thiện năng suất lao động là đòi hỏi bức thiết từ thực tế phát triển của đất nước. Việc hai năm liên tiếp chỉ tiêu này không đạt mục tiêu cần được quan tâm thoả đáng, phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng để tìm ra đúng “nút thắt”. Nếu không tìm đúng “nút thắt” thì sẽ không tìm ra giải pháp phù hợp hơn để cải thiện năng suất lao động. Và như vậy, nguy cơ chỉ tiêu này tiếp tục không đạt trong năm 2023 vẫn còn hiện hữu./.
Kim Thanh