|
Nhiều sản phẩm nông sản có thể truy xuất được nguồn gốc nhờ mã vạch - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Công nghệ giúp nông sản chống dịch
Năm 2020, lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với dịch bệnh trăm năm có một – COVID-19. Ngay lập tức, các chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản bị gián đoạn do chính sách kiểm soát, phong tỏa các quốc gia đặt ra để kiềm tỏa sự lây lan của loại virus bí ẩn.
Bắt đầu từ tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), chúng ta đã nhìn thấy những tác động tiêu cực trong xuất khẩu nông sản khi những chuyến hàng buộc phải nằm chờ lâu hơn ở cửa khẩu do khâu kiểm soát chặt chẽ thêm một bước. Rồi khi dịch lan sang châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ những khó khăn khi các đơn hàng buộc phải hủy hoặc chậm giao. Những khó khăn của ngành gỗ là một ví dụ.
Nhưng trải qua một số lúng túng ban đầu, bằng nhiều biện pháp, trong đó có tích cực chuyển đối số, các doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt từng khe hẹp của thị trường, đưa nông sản Việt đến được nhiều thị trường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Nói về một năm sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản cho biết, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 200% so với năm 2019 nhờ chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản.
“Là một thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chúng tôi xác định, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bí quyết giúp doanh nghiệp vượt qua những điểm nghẽn của thị trường do tác động của dịch COVID-19. Nhờ vậy, mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông hàng hóa do các biện pháp kiểm soát nhưng hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng rất khả quan”, ông Hùng cho biết.
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà VISIMEX đạt được kết quả vô cùng ấn tượng ngay cả khi dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Cả chục năm trước, doanh nghiệp này đã chủ động đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa VISIMEX trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba.
“Ngay từ năm 2005, tôi đã đăng ký là thành viên miễn phí của Alibaba. Thật không ngờ, nhờ giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử nổi tiếng này, chúng tôi đã tìm kiếm được các đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới và dần cải thiện sản xuất. Năm 2009, VISIMEX đã trở thành thành viên Gold Supplier của Alibaba. Có thời điểm, các đơn hàng thông qua Alibaba chiếm đến 80% doanh thu năm của công ty, với các khách hàng đến từ khắp nơi như Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Nam Phi, Trung Đông… Nhờ bán hàng trên sàn giao dịch điện tử, có lúc chúng tôi nhận được 200 đơn hàng/tháng”, ông Hùng cho biết thêm.
Hiện nay, VISIMEX vẫn tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, trao đổi trực tuyến với khách hàng nên dịch COVID-19 tác động không đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp, rất nhiều nông dân, hợp tác xã cũng đã chuyển đổi nhanh các phương thức kinh doanh nông sản dưới tác động của dịch COVID-19. Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, HTX thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến, bán hàng online, nhờ vậy, kết quả sản xuất kinh doanh rất khả quan.
|
Người nông dân học tập được các mô hình sản xuất hiệu quả nhờ sự phát triền của công nghệ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hiệu quả từ đàm phán trực tuyến
Ngày 8/12/2020, lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức ký Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc tại cuộc họp trực tuyến giữa hai bên. Đây được coi là giấy thông hành chính thức để sản phẩm này có thể xuất khẩu chính ngạch sau 2 năm đàm phán. Trước đó, các chuyên gia kiểm dịch thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá vùng trồng và cơ sở đóng gói chế biến thạch đen để chuẩn bị cho việc ký nghị định thư.
Cũng với hình thức trực tuyến, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã và đang đàm phán để có thêm nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, trước mắt là tổ yến, sau đó là sầu riêng, khoai lang,… Ngoài thị trường Trung Quốc, Bộ NN&PTNT cũng tổ chức các cuộc họp trực tuyến với đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh cơ hội xuất khẩu nông sản.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.
Trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực… Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.
Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...
Thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có “tính thực tiễn cao” nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Đồng quan điểm, ông Thân Văn Hùng mong muốn Chính phủ đứng ra tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp số để cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn.
Đỗ Hương