Một số tiêu chuẩn Halal cơ bản
Để xuất khẩu thực phẩm và nông sản sang thị trường Hồi giáo, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal được quy định theo tiêu chuẩn GSO. Bao gồm: Thực phẩm và nông sản phải được sản xuất từ nguyên liệu không chứa thành phần bị xem là Haram (bị cấm theo luật Hồi giáo); quy trình sản xuất và đóng gói phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal; đảm bảo các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng và quy định của pháp luật Việt Nam; các sản phẩm phải được đóng gói và ghi nhãn rõ ràng theo quy định của hệ thống đảm bảo Halal (HAS).
Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia cho hay, thực phẩm Halal không chỉ không có thịt lợn hoặc không có cồn, mà nguồn thịt hoặc gia cầm cũng phải từ động vật được cho phép tiêu thụ (gà, gia súc, cừu) và phải được giết mổ theo quy tắc Hồi giáo để biến chúng thành Halal.
Vì vậy, cần tiêu chuẩn hóa trong khâu vệ sinh và đảm bảo sạch sẽ. Trong khi đó, động vật ăn thịt, động vật lưỡng cư (như ếch), côn trùng không phải là Halal. Ngoài ra, bất kỳ sự nhiễm bẩn nào từ các nguyên tố bị cấm hoặc chất bẩn cũng khiến thực phẩm không phải là Halal.
Về mặt đóng gói/bảo quản, thực phẩm không phải Halal và thực phẩm Halal phải được bảo quản riêng biệt để tránh bị nhiễm bẩn. Toàn bộ dây chuyền sản xuất phải hợp vệ sinh và không gây hại cho sức khỏe.
"Doanh nghiệp Việt Nam muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo luật Hồi giáo, ví dụ gạo là được phép và thịt lợn thì không được phép.
Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại. Tất cả nguồn thực phẩm, quy trình vệ sinh cần phải được chứng minh trong quá trình chứng nhận Halal", bà Wong Chia Chiann lưu ý.
Ông Machdares Samael, Quyền trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM cho biết, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như thủy sản nuôi, nông sản, trà, cà phê…
"Tại một số nơi, nước dùng để chế biến sản phẩm Halal cũng đòi hỏi phải có chứng nhận Halal. Do đó, Halal giờ đây không chỉ mang yếu tố tôn giáo hay an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn mang yếu tố bản sắc và thương hiệu Hồi giáo.
Hiện nay, các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, trà… sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam", ông Machdares Samael nói.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế để nắm bắt yêu cầu thị trường Halal
Bà Trần Thị Minh Thu, Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và các tôn giáo khác (Ban Tôn giáo Chính phủ), cho rằng để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam, khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường Hồi giáo thì thúc đẩy hợp tác quốc tế là yêu cầu cấp thiết.
Một số giải pháp được bà Trần Thị Minh Thu đưa ra như hợp tác xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Halal của Việt Nam đáp ứng được cơ bản tiêu chuẩn Halal quốc tế và từng quốc gia cụ thể. Trong đó, cần hợp tác với Viện Tiêu chuẩn và đo lường các Quốc gia Hồi giáo (SMIIC) thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để xây dựng các tiêu chuẩn.
Ngoài ra, cần hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal về thông tin, thị trường, cảnh báo vướng mắc, rủi ro, kết nối với chính quyền các thị trường…
Trong khi đó, bà Phạm Hoài Linh, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương cho rằng, cần sớm ban hành Bộ Tiêu chuẩn chung của Việt Nam về sản phẩm Halal, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chính phủ thành lập một cơ quan quản lý thống nhất tiêu chuẩn Halal, chứng nhận Halal.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn tại các địa phương để doanh nghiệp và người sản xuất hiểu rõ hơn về đặc điểm văn hóa, kinh doanh, quy định của các nước Hồi giáo.
Ông Hoàng Bá Nghị, Tổng Giám đốc phụ trách Tổ chức chứng nhận về Tiêu chuẩn Halal Food xuất khẩu sang các quốc gia đạo Hồi của Tổ chức chứng nhận NHO tại Việt Nam cho biết, bên cạnh các quốc gia có người Hồi giáo, hiện nay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận về thực phẩm Halal tại các quốc gia phát triển về du lịch cũng đang ngày càng lớn (Thái Lan, Nhật Bản hiện nay đã làm rất tốt hậu cần, dịch vụ về thực phẩm phục vụ cộng đồng người Hồi giáo trong ngành du lịch).
Không chỉ về thực phẩm cần phải có chứng nhận Halal, nhiều quốc gia phát triển về du lịch cũng làm rất tốt các dịch vụ về khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, spa, phương tiện vận chuyển khách du lịch, đồ lưu niệm, dược phẩm, đồ dùng... đều phải có chứng nhận Halal nhằm phục vụ chu đáo và giúp du khách của cộng đồng Hồi giáo cảm thấy được thoải mái nhất...
Nếu Việt Nam chú trọng vào việc tạo ra hệ sinh thái một cách bài bản về sản phẩm, dịch vụ có chứng nhận Halal, sẽ có tiềm năng rất lớn để thu hút du khách tới từ các quốc gia Hồi giáo.
Tại hội nghị ngành Halal toàn quốc ngày 22/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu. Cũng trong hội nghị, các đại biểu đã tham dự lễ Giới thiệu Trung Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT), Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam, Lễ ra mắt "Góc Halal" trên Báo Thế giới và Việt Nam, và Lễ trao 5 văn kiện hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận GCC, Cơ quan Halal Hàn Quốc, Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu, Học viện Halal thuộc công ty TNHH GAE (Malaysia) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về tiêu chuẩn và Halal.
Đỗ Hương