Nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam 

(ĐCSVN)- Hiệu quả của quá trình cơ cấu lại đã khẳng định nông nghiệp tiếp tục là thế mạnh của nước ta, với việc hình thành nhiều vùng nông nghiệp đặc thù theo chức năng: Nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu...

 

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nước ta 10 năm qua được tiến hành theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường, chuyển từ lúa sang cây ăn quả, rau; cơ cấu thủy sản tăng nhanh, nông nghiệp giảm; phát triển mạnh các chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa.

Nông nghiệp Việt Nam hiện đang tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và phát triển trên 27 nghìn mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, trên 1.600 chuỗi nông sản an toàn, trên 3.200 điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi với sự tham gia của một số tập đoàn lớn như Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop…

 Nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu…đã tạo cơ chế, huy động doanh nghiệp đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại, gắn với nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có vị thế cao trong vùng và trên thế giới như tôm, cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long; cà phê, hồ tiêu, điều ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ.

 Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá bằng phương pháp sông trong ao tại Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên; mô hình trồng rau theo công nghệ tưới tiết kiệm của Israel tại nhiều tỉnh.

 Do trình độ canh tác ngày càng hoàn thiện nên năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao rõ rệt. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng mạnh, bình quân cả nước năm 2019 đạt 95,4 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 68% so với giá trị sản xuất đạt được năm 2010 là 54,6 triệu đồng/ha.

 Một số địa phương đạt giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích rất cao như tại Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 502 triệu đồng/ha, Hà Nội đạt 259 triệu đồng/ha, Đồng Nai đạt gần 223 triệu đồng/ha, An Giang đạt 173 triệu đồng/ha.

 Anh ninh lương thực quốc gia được đảm bảo vững chắc, xuất khẩu tăng nhanh và từng bước khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 9 năm (giai đoạn 2010 - 2018) đạt 269 tỷ USD (bình quân 30 tỷ/năm), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 8,3%/năm. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 đạt trên 41,3 tỷ USD, khẳng định vị thế của Việt Nam trong top 15 của thế giới và đứng thứ 2 trong khối ASEAN.

 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia khẳng định, tuy tỷ trọng nông nghiệp trong kinh tế cả nước và kinh tế nông thôn giảm mạnh xuống dưới 14% nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục là thế mạnh của Việt Nam. Nền nông nghiệp nước ta đang hình thành nhiều vùng đặc thù theo chức năng: Nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp ven đô, nông nghiệp quy mô lớn sản xuất hàng hóa, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng tới thông minh.

 Giai đoạn 2021 - 2025, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia là phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng khait thác lợi thế của mỗi vùng, miền.

 Giải pháp để thực hiện định hướng này là thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gắn với các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và cấp mã vùng sản xuất.

 Phát huy lợi thế tài nguyên biển để phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản theo hướng hiệu quả, bền vững.

 Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, lĩnh vực chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm. Hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản./.                                                                                                                 

 
Bài, ảnh: Phương Liên
351 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1388
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1388
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87156640