Khẳng định nông nghiệp hữu cơ không chỉ có thể nuôi sống thế giới, mà còn góp phần giải quyết các thách thức của nông nghiệp toàn cầu nên trong những năm qua diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới có xu hướng tăng nhanh. Năm 2014 đất nông nghiệp hữu cơ đạt 43,7 triệu ha, chiếm 0,99% đất nông nghiệp với giá trị sản phẩm hữu cơ khoảng 80 tỷ USD. Trong vòng 10 năm (2004-2014), diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới tăng 146%. Theo số liệu công bố tháng 2 năm 2017 của Viện nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (FiBL) và IFOAM, năm 2015 diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới là 50,9 triệu ha, tương đương 1,1% tổng diện tích đất nông nghiệp, tăng 147% so với số liệu công bố năm 2014, với giá trị sản phẩm khoảng 81,6 tỷ USD. Có179 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 2,4 triệu nông dân sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước đã có các quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ. Các thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thuỵ Sỹ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (262 Euro/đầu người/năm). Nhiều nước ở châu Đại Dương, châu Âu, Mỹ La-tinh có thế mạnh và chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân canh tác nông nghiệp hữu cơ, đây là 3 khu vực có nhiều diện tích đất nông nghiệp hữu cơ, tương ứng: 17, 3 triệu ha, 11,6 triệu ha và 6,8 triệu ha. Diện tích nông nghiệp hữu cơ ở châu Âu phát triển đều qua các năm, châu Đại Dương tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2014, chiếm gần 40% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của toàn thế giới, trong đó chỉ riêng nước Úc diện tích nông nghiệp hữu cơ là 22,7 triệu ha. Diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của châu Á là 4.0 triệu ha, trong đó Trung Quốc có 1,6 triệu ha và Ấn độ có 1,2 triệu ha. Bắc Mỹ có 3.0 triệu ha, châu Phi có 1,7 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, 73% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của Thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhiều nhất với 22,7 triệu ha, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế đến là: Argentina (3,1 triệu ha); Mỹ (2.0 triệu ha); Tây ban nha (1.97 triệu ha); Trung Quốc (1.6 triệu ha); Ý (1.49 triệu ha); Pháp (1.38 triệu ha); Uruguay (1.31 triệu ha); Ấn Độ (1,18 triệu ha); Đức (1.09 triệu ha). Việt Nam được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) công nhận là nước có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo số liệu thống kê của IFOAM, năm 2015, Việt Nam là 76.666 ha nông nghiệp hữu cơ, tương đương 0,7% diện tích đất nông nghiệp, với 3.816 nông dân sản xuất hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu của Việt Nam là gạo, tôm, dừa, cà phê, cacao, sữa, chè, rau, quả, quế, hồi, tinh dầu.... Trí Ánh
(Kỳ sau: Cơ hội và thách thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ)